Vừa qua, ông Nguyễn Bá Minh, nhân viên Công ty Cổ phần Hòa Bình - TPHCM, đã gởi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi. Gần 30 năm qua, ông Minh làm việc tại nhiều doanh nghiệp Nhà nước, đến tháng 7-2006, ông nghỉ việc nhưng không được giải quyết trợ cấp thôi việc (TCTV).
“Bóng đổ thầy, thầy đổ bóng”
Ông Minh cho biết: Năm 1977, ông vào làm việc cho Công ty Vận tải Đường sắt. Mười năm sau, ông chuyển qua làm việc cho Trung tâm Máy thuộc Công ty Cơ khí Thủy sản III. Tháng 3-2001, một bộ phận công ty này được tách ra thành lập Công ty Cổ phần Hòa Bình, khi đó đại diện Công ty Hòa Bình cam kết thực hiện hết các nghĩa vụ đối với người lao động (NLĐ) thay cho Trung tâm Máy. Thế nhưng, đến khi ông Minh nghỉ việc vào tháng 7-2006, Công ty Hòa Bình chỉ đồng ý chi trả TCTV cho ông Minh từ năm 1987 đến nay, phần trợ cấp của 10 năm trước đó công ty này không trả.
Trường hợp của gần 20 lao động đang làm việc tại Xí nghiệp Liên doanh KumBa còn khó khăn hơn. Tháng 8-1993, Xí nghiệp Liên doanh KumBa được hình thành từ sự liên kết giữa một phần Nhà máy Phụ tùng số 3 và Công ty TNHH Kum Hwa Industrial của Hàn Quốc. Khi mới thành lập, hầu hết NLĐ của Nhà máy Phụ tùng số 3 chuyển sang liên doanh. Tháng 2-1999, Bộ Công nghiệp quyết định sáp nhập Nhà máy Phụ tùng số 3 vào Công ty phụ tùng máy số 2 (Nakyco), trong biên bản bàn giao có kèm danh sách lao động của Nhà máy Phụ tùng số 3 ghi rõ những người đang làm trong Xí nghiệp KumBa chưa được hưởng TCTV.
Khi Nakyco cổ phần hóa vào tháng 3-2006, một số nhân viên của Xí nghiệp Liên doanh KumBa đề nghị Nakyco trả TCTV cho thời gian làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước thì bị từ chối. Lý do Nakyco đưa ra là đã trả một phần vốn Nhà nước về đơn vị chủ quản là Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp nên TCTV của những lao động trên sẽ được tổng công ty giải quyết.
10 năm chưa có trợ cấp
Tháng 1-1997, khách sạn Sài Gòn là một trong 5 doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên thực hiện cổ phần hóa. Tổng số nhân viên của khách sạn tại thời điểm cổ phần hóa là 85 người. Thời gian qua có 31 người đã xin nghỉ việc và khách sạn Sài Gòn đã tạm ứng TCTV cho NLĐ trong thời gian làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước. Việc làm có ý nghĩa với NLĐ này đã bị các cổ đông phản ứng vì cho rằng như vậy là làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Để trả lời cổ đông, khách sạn đã nhiều lần có văn bản hỏi ý kiến các cơ quan chức năng về nguồn và đơn vị sẽ chi trả TCTV cho số lao động trên, nhưng lại được nhận hướng dẫn khác nhau. Gần đây, Sở LĐ - TB- XH TPHCM mới khẳng định TCTV cho các lao động trên lấy từ ngân sách của TP và đề nghị khách sạn liên hệ với Chi cục Tài chính Doanh nghiệp - Sở Tài chính TP để được hướng dẫn. Ông Lê Thành Chơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Khách sạn Sài Gòn, nhận xét: “Việc trả lời không nhất quán của các cơ quan chức năng đã đẩy khách sạn vào thế khó xử. Không chi trả thì NLĐ thiệt thòi mà chi trả thì chẳng biết đúng hay sai”.
“Treo” trợ cấp thôi việc
Ông Đào Trí Thông, nguyên công nhân Công ty Cổ phần Thủy đặc sản, cho biết: Kể từ khi nghỉ việc năm 2003 đến nay, ông chưa nhận đầy đủ TCTV. Nhiều lần liên hệ với công ty thì chỉ nhận được câu trả lời “chờ”. Ông Đào Thanh Hằng, trưởng phòng nhân sự công ty, cho biết: “TCTV sẽ do công ty cùng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước hỗ trợ chi trả (mỗi bên 50%). Phần của công ty đã giải quyết xong, còn phần từ nguồn quỹ trên thì không thấy. Hơn 3 năm qua, công ty cũng đã nhiều lần hỏi đơn vị chủ quản là Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) nhưng không có hồi đáp. Hiện 87 lao động nghỉ việc tại công ty còn bị nợ trên 113 triệu đồng”.
Pháp luật lao động quy định: “NLĐ trước khi làm việc cho doanh nghiệp Nhà nước mà đã có thời gian làm việc ở các đơn vị khác thuộc khu vực Nhà nước nhưng chưa được chi trả TCTV thì doanh nghiệp nơi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động có trách nhiệm chi trả TCTV cho NLĐ. Các đơn vị sử dụng lao động trước đây có trách nhiệm chuyển trả cho doanh nghiệp đã chi trả TCTV, nếu đơn vị cũ đã chấm dứt hoạt động thì ngân sách Nhà nước sẽ hoàn trả”. Theo nhiều giám đốc doanh nghiệp, quy định như vậy thuận tiện cho NLĐ, nhưng lại khó cho doanh nghiệp. Bởi vì chẳng ai muốn bỏ tiền ra trả trước rồi đi đòi nợ doanh nghiệp khác. Chưa kể, nếu doanh nghiệp mà NLĐ đã làm việc trước đây hiện đã giải thể hoặc chuyển sang cổ phần thì không biết đòi ở đâu? Nên chăng, ngay khi NLĐ chấm dứt làm việc ở đơn vị nào thì giải quyết ngay TCTV, tránh tình trạng doanh nghiệp đùn đẩy, né tránh gây thiệt thòi cho NLĐ.
Ông Võ Văn Đời, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TPHCM: NLĐ có quyền khởi kiện Pháp luật lao động quy định trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước cuối cùng phải chi trả TCTV cho NLĐ là đã cân nhắc quyền, lợi ích của cả đôi bên và lợi ích của Nhà nước. Vì vậy, nếu doanh nghiệp Nhà nước nơi NLĐ chấm dứt hợp đồng không chi trả đủ TCTV, NLĐ có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng can thiệp hoặc khởi kiện ra tòa để được bảo vệ quyền lợi. |
Bình luận (0)