Khi biết mình mang căn bệnh ung thư hiểm nghèo, chị Nguyễn Thị Hằng Nga, nhân viên quản lý kho (Công ty TNHH Sapuwa), hết sức tuyệt vọng. Chị xúc động kể: “Chính lúc đó, tôi đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của CĐ và anh chị em công nhân (CN) trong công ty. Ngoài 5 triệu đồng vay không lãi từ quỹ tương trợ nội bộ của CĐ, tôi còn được anh em đóng góp hỗ trợ để vượt qua khó khăn, bệnh tật. Những việc làm đó đã nhen nhóm lại hy vọng sống cho tôi”.
Ấm áp nghĩa tình
“Quỹ tương trợ nội bộ công ty đã có trên 10 năm, trợ giúp kịp thời hàng trăm trường hợp CN gặp khó khăn”- ông Vũ Nam, Chủ tịch CĐ Công ty Sapuwa, cho biết. Thấy được sự ích lợi của nguồn quỹ này, giám đốc công ty đã ủng hộ tích cực: Ngoài đóng góp của CN mỗi tháng 5.000 đồng/người, công ty đã bổ sung nguồn quỹ từ tiền bán phế liệu (khoảng 10 triệu đồng/tháng), tiền lãi từ căng-tin... để CĐ quản lý. Mỗi tháng, có từ 20 đến 30 trường hợp được hỗ trợ.
Tại Công ty Cổ phần May Nhà Bè, đối với CN, quỹ tương trợ nội bộ đã trở nên gần gũi. CN ốm đau, bệnh tật, nhà dột, xe hư, kẹt tiền đóng tiền học cho con... đều có thể tìm thấy sự hỗ trợ của quỹ. Anh Lê Văn Quới, nhân viên bảo vệ công ty, cho biết đứa con đầu lòng của anh bị tật môi, mỗi lần nhìn nụ cười không trọn vẹn của con, vợ chồng anh lại buồn vô hạn. Nỗi buồn càng nhiều hơn khi con đến tuổi tới trường nhưng vì kinh tế gia đình không cho phép, vợ chồng anh không thể phẫu thuật cho con. Hiểu được hoàn cảnh của anh, CĐ công ty đã cho vay 5 triệu đồng. Lần đầu không thành công, CĐ lại cho anh chị mượn tiền lần nữa. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện phẫu thuật cho con. Nếu cháu được lành lặn, thú thật, tôi không biết nói gì để cảm ơn sự quan tâm của đó”- anh Quới tâm sự. Anh Lê Quang Chính ở Xí nghiệp may 1 cũng được vay quỹ tương trợ 10 triệu đồng để sửa nhà. “Nhờ vậy mùa mưa này, nhà tôi đã thoát được cảnh ướt trước, dột sau”- anh Chính cảm kích nói.
Vun đắp tình cảm lứa đôi
Đến giờ này, tập thể CN Công ty Cổ phần Dệt Quyết Thắng, quận Gò Vấp - TPHCM vẫn còn kể cho nhau nghe về đám cưới hết sức giản dị, nhưng đầm ấm của vợ chồng anh Trần Hồng Thi và chị Hồ Thị Tuyết Nhung. Yêu nhau, song anh chị không dám tính đến chuyện hôn nhân vì hai bên gia đình đều khó khăn. Tiền lương hằng tháng của chị phải dành dụm gởi về Quảng Trị cho gia đình. Anh tuy ở Củ Chi nhưng còn đàn em nhỏ phải lo. Hạnh phúc đã mỉm cười với đôi bạn trẻ khi CĐ công ty cho mượn 5 triệu đồng từ quỹ tương trợ để làm lễ cưới.
“Bất cứ CN nào muốn tổ chức cưới, đều được CĐ cho mượn tiền. Vì đây là quyền lợi nên ai cũng tranh thủ mượn, cưới xong có người trả dần vào lương, có người trả bằng tiền mừng cưới”- chị Trần Hoàng Trân Châu, Chủ tịch CĐ Công ty Quyết Thắng, cho biết. Cứ thế, nguồn quỹ xoay dần, đến nay đã có mấy chục CN tạo dựng mái ấm gia đình từ quỹ này.
Nét đặc trưng của hoạt động CĐ
Hiện nay, khá nhiều CĐ cơ sở xây dựng quỹ tương trợ nội bộ với mục đích hỗ trợ kịp thời khi người lao động gặp khó khăn. Quỹ này còn giúp CNVC-LĐ trong các doanh nghiệp nâng cao chuyên môn, tay nghề. Đó là trường hợp anh Phan Trọng Hiếu (nhân viên Công ty Sapuwa) được mượn 3 triệu đồng để học lớp quản trị mạng. Anh bộc bạch: “Lúc trả thì không phải lo vì trừ dần vào lương mỗi tháng. Khi công việc tiến triển tốt, tôi sẽ tiếp tục mượn tiền để học thêm một số lớp nâng cao nữa”.
“Cuối năm nguồn quỹ này dùng để mua quà tặng cho CN”- ông Vũ Nam, Chủ tịch CĐ Công ty Sapuwa, cho biết. Còn ở Công ty Quyết Thắng, quỹ cũng dùng vào việc tặng quà cho CN, nhưng ai là đoàn viên CĐ được tặng thêm một phần. Những người làm tốt, vượt kế hoạch hoặc có thành tích trong các phong trào đều được thưởng từ quỹ này.
Đề cập đến ý nghĩa của nguồn quỹ tương trợ nội bộ, bà Phan Thị Anh Thư, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, khẳng định: “Hoạt động tương trợ là đặc trưng của các cấp CĐ TP. Với quỹ tương trợ nội bộ, nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ kịp thời. Đây cũng là một trong những hình thức xã hội hóa hoạt động CĐ, giúp người lao động ngày càng tin cậy, gắn bó với tổ chức CĐ”.
Tăng cường kiểm tra DN ngành xây dựng (NLĐ)- Ngày 24-10, Sở LĐ-TB-XH TPHCM cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người trên địa bàn TP 9 tháng qua là 44 vụ, tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm 2004. Đặc biệt, trong tháng 9-2005 đã xảy ra 8 vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm chết và bị thương 8 người. Các vụ TNLĐ do thiết bị không bảo đảm an toàn; vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm trên 60% tổng số vụ TNLĐ. Sở LĐ-TB-XH TP yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, tổng công ty tăng cường kiểm tra công tác bảo hộ lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp (DN), nhất là DN ngành xây dựng và DN có sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. H. Vân |
Bình luận (0)