Chị Hoàng Thị Thanh Thương trình bày bức xúc của mình tại Tòa soạn Báo Người Lao Động
Làm khó để nhân viên bỏ cuộc
Ngày 16-8-2010, tại văn phòng đại diện TPHCM, chị Thương ký HĐLĐ thời hạn một năm với Công ty TNHH Trọng Tín Việt Nam, có trụ sở chính tại Hà Nội. Công việc của chị là bán hàng. Thế nhưng, khi HĐLĐ chưa hết hạn, công ty buộc chị Thương phải ký lại HĐLĐ mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2011 đến ngày 22-5-2011. Chị Thương thắc mắc thì không được công ty giải thích thỏa đáng. Vì cần việc làm nên chị buộc lòng phải ký vào HĐLĐ mới. Khi HĐLĐ hết hạn, chị Thương thông báo nghỉ việc và đề nghị công ty thanh toán các khoản tiền công ty còn nợ như: tiền lương, tiền hoa hồng, tiền đặt cọc, tiền phép năm… tổng cộng gần 6 triệu đồng. phía công ty phớt lờ.
Không được giải quyết quyền lợi, chị Thương gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng TP. Sau rất nhiều lần tới lui, chị Thương được hướng dẫn trở về công ty để hòa giải. Ngày 18-10-2011, Công ty TNHH Trọng Tín Việt Nam gửi giấy mời chị Thương… có mặt tại trụ sở chính ở Hà Nội để hòa giải vào ngày 24-10-2011. Giấy mời kèm theo điều kiện nếu không đến dự và không có thư hẹn thời gian khác để hòa giải thì xem như không có nhu cầu hòa giải việc thanh lý HĐLĐ.
Chị Thương bức xúc: “Tôi đã nhiều lần khiếu nại nhưng không được công ty giải quyết, nay cơ quan chức năng lại đề nghị tôi đến công ty để hòa giải. Từ TPHCM ra Hà Nội là cả vấn đề, tôi lấy đâu ra chi phí để đi lại, ăn ở? Tại sao khi ký hợp đồng với tôi thì vào TPHCM ký, còn khi giải quyết tranh chấp lại buộc phải ra Hà Nội? Kiểu này thì ai dám làm việc cho công ty và những doanh nghiệp có trụ sở không phải tại nơi mình cư trú?”.
“Trọng Tín” mà bội ước!
Không chỉ có chị Thương bị công ty đối xử tệ mà còn nhiều nhân viên khác như chị Nguyễn Thị Hồng Châu, Phạm Thị Ni Ni… cũng không được trả lương và cũng bị gây khó để họ chán nản, bỏ cuộc.
Theo điều tra của chúng tôi, Công ty TNHH Trọng Tín Việt Nam còn có rất nhiều sai phạm. Chẳng hạn, công ty buộc nhân viên khi vào làm việc phải đóng tiền đặt cọc 1,5 triệu đồng, số tiền này sẽ được hoàn lại khi nhân viên thôi việc mà chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của công ty. Nhưng thực chất, khi nghỉ việc, chẳng có mấy nhân viên được nhận lại khoản tiền này vì bị công ty tìm đủ lý do để trừ hết. Ngoài ra, công ty còn kỷ luật nhân viên bằng hình thức trừ tiền với các lỗi như: tẩy xóa trong sổ ghi số lượng hàng bị trừ 100.000 đồng/lần, làm trầy xước khay để hàng bị trừ 100.000 đồng, đi trễ về sớm trừ 50.000 đồng, không đọc kỹ chương trình khuyến mãi trừ 100.000 đồng, trưng bày hàng hóa không đúng vị trí trừ 100.000 đồng, vệ sinh không sạch sẽ tại quầy hàng trừ 50.000 đồng…
Luật sư Nguyễn Thị Anh Đào, Trưởng Văn phòng Luật sư Công Đoàn: Nhiều sai phạm Công ty yêu cầu nhân viên đóng tiền ký quỹ khi vào làm việc là sai. HĐLĐ đang có hiệu lực nhưng ép buộc nhân viên ký lại HĐLĐ mới có thời hạn ít hơn là không đúng pháp luật. Kỷ luật nhân viên bằng hình thức phạt tiền là vi phạm pháp luật lao động nghiêm trọng; khi người lao động đề nghị thanh toán tiền lương thì không được giải quyết… với nhiều sai phạm như vậy, tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền thanh tra toàn diện về chính sách pháp luật của công ty để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. |
Bình luận (0)