Có hôm, anh chấm với nước tương dầm ớt mà cũng hít hà khen ngon. Mới đầu, tôi không thích càng cua vì cái mùi hăng hăng của nó nhưng ăn riết thành quen và rồi cũng ghiền.
“Hồi nhỏ, má hay làm món rau càng cua bóp giấm cho tụi anh ăn. Chỉ có rau chấm nước tương thôi mà ngon lắm. Hôm nào rau mọc nhiều nhiều, anh làm thử cho em ăn” - có lần ông xã tôi nói vậy. Chờ đến khi rau mọc nhiều nhiều thì không biết đến khi nào nên một bữa đi chợ thấy người ta bán rau càng cua, tôi mua liền. Một rổ bự mà chỉ có 10.000 đồng. Trông thấy mớ rau càng cua xanh tươi mơn mởn, ông xã tôi mừng quýnh như thể gặp lại cố nhân.
Món “bóp giấm” của ông xã tôi là món ăn dân dã. Rau càng cua rửa sạch, dùng tay bóp nhẹ cho hơi dập. Giấm, đường, muối quậy cho tan rồi đổ vô thau rau trộn đều, xong vớt ra để cho ráo nước. Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, phi hành tỏi cho thơm, tắt bếp trước khi đổ rau càng cua vào, trộn đều, ăn ngay.
Càng cua bóp giấm có thể chấm nước tương hoặc nước cá đều ngon. Thế nhưng, mấy đứa nhỏ nhà tôi vốn quen với thịt cá nên không chịu ăn. Vậy là tôi phải “nâng cấp” món rau càng cua bóp giấm thành món gỏi rau càng cua trộn với thịt bò. Chừng
150 g thịt bò là có một dĩa gỏi ngon lành, chất lượng cao. Thịt bò xắt mỏng, ướp với nước tương, dầu hào và chút bột năng. Hành tây xắt mỏng, nửa ngâm giấm đường, nửa xào với thịt bò. Rau càng cua rửa sạch, vẩy cho khô nước rồi xếp vào dĩa, rưới giấm đường lên. Bắc chảo lên bếp, cho 2 muỗng dầu ăn vào, khi chảo nóng già thì cho thịt bò vào đảo nhanh tay, sau đó cho hành tây xắt mỏng vào. Tắt bếp, chờ nguội thì đổ thịt bò lên dĩa rau càng cua.
Cái vụ ướp thịt bò mà có chút bột năng là tôi học của chị bán thịt ngoài chợ. Chị nói ướp như vậy thịt sẽ không bị chảy nước, không bị dai. Lần đầu ăn gỏi càng cua thịt bò, ông xã tôi gật gù khen ngon. Tuy vậy, lâu lâu khi rau càng cua trong mấy chậu bông mọc nhiều nhiều, anh lại làm món rau càng cua bóp giấm chấm nước thịt kho...
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!