Tiếp chúng tôi trong căn nhà khá khang trang và đầy đủ tiện nghi là một người đàn ông với dáng nhỏ nhắn, nước da nâu đen. Mặc dù gặt hái được nhiều thành công trong phát triển kinh tế, nhưng khi được hỏi, anh Nguyễn Thái Huy luôn từ tốn và không muốn kể nhiều về bản thân.
Trắng tay vẫn không bỏ cuộc
Học hết lớp 12, anh Nguyễn Thái Huy không thi đại học mà sớm lăn lộn với đời bằng đủ thứ nghề, từ phụ xe đến buôn bán. Năm 1996, anh Huy lập gia đình với chị Phan Thị Lưu, từ đó hai vợ chồng bắt tay vào chăn nuôi heo thương phẩm với quy mô 50 con/lứa. Cứ thế phát triển dần, nhưng việc chăn nuôi của anh chị gặp khó khăn vì ở trong khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường, vì vậy anh Huy đã làm đơn xin thuê 4ha đất để mạnh dạn xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi gà, heocquy mô lớn.
Anh Huy kể: "Được lãnh đạo địa phương tạo điều kiện cấp đất làm khu trang trại, với một ít vốn vợ chồng tích góp và vay từ ngân hàng, năm 2008 tôi đầu tư hơn 1 tỉ đồng vào làm chuồng trại và mua con giống. Sau một năm xây dựng cơ sở vật chất, đến đầu năm 2009 tôi thả lứa đầu tiên. Nhưng do chưa có kinh nghiệm quản lý đàn vật nuôi quy mô lớn nên năm đó, heo bị dịch bệnh chết gần 500 con, thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Vợ chồng tôi trắng tay, người thân lo lắng còn tôi thì rất hoang mang".
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Huy luôn nhắc đến vợ mình: "Nhờ có vợ tôi luôn động viên, khích lệ cùng làm lại từ đầu, tôi đã quyết tâm bắt tay làm lại và luôn tự dặn mình rằng: Trong chăn nuôi, lời không sớm vui mừng mà lỗ không nản chí. Cũng từ những lần thất bại đó, tôi đã lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn, đồng thời tích cực tìm hiểu thêm sách báo, bạn bè nên những lứa lợn sau lớn rất nhanh, khỏe mạnh và bán có lãi".
Chị Lưu nói thêm: "Nếu không có sự chung sức chung lòng của cả vợ và chồng thì sẽ khó mà vượt qua thất bại của năm đó. Gần 1 tỉ đồng tan biến trong chốc lát, trong khi tiền giống, thức ăn, lãi suất ngân hàng đều đang nợ… Lúc đó trong nhà chỉ còn mấy con gà, con vịt bán đi cũng không đủ trang trải chi phí đầu tư và trả lãi ngân hàng, chưa nói đến tiền lương công nhân. Vợ chồng tôi quyết định "liều" một phen nữa, vay tiếp ngân hàng 1,3 tỉ đồng đầu tư vào chăn nuôi heo".
Sống chết với heo
Năm 2011, anh Huy nuôi 100 con heo nái ngoại và hơn 800 con heo thịt thương phẩm. Nhưng thành công vẫn chưa đến với anh, thời điểm đó do khủng hoảng kinh tế, lãi suất ngân hàng lên cao (22%), nguyên liệu đầu vào đều tăng giá nên sản xuất chỉ đủ hòa vốn. Từ năm 2012 trở về sau, việc chăn nuôi của anh bắt đầu có lãi. Đến năm 2016, mặc dù thị trường tiêu thụ gặp khó khăn nhưng heo của trang trại anh vẫn bán hết và được giá, đồng thời anh Huy cũng chính là người làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho 12 tổ hợp tác chăn nuôi trên địa bàn huyện Đức Thọ. Đến nay, số lượng heo nái ngoại của gia đình anh đã lên tới 600 con và gần 1.000 con thương phẩm.
Theo anh Huy, mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu về khoảng 2 tỉ đồng từ trang trại chăn nuôi và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Năm ngoái, anh vừa sắm con xe Range Rover tiền tỉ.
Không chỉ đầu tư phát triển kinh tế của gia đình, anh Huy còn giúp đỡ nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đức Thọ. Với hình thức liên kết với trang trại của anh Huy, người chăn nuôi trên địa bàn lấy giống từ gia đình anh đều có lãi. Theo đó, con giống mà anh bán cho bà con thường rẻ hơn giá thị trường từ 100.000 – 150.000 đồng/con. Trung bình mỗi tháng, trang trại của anh Huy cung ứng cho thị trường 1.300 con giống, tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh bắc miền Trung.
Ông Phạm Quang Thạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Thọ cho biết: "Với hệ thống trang trại chăn nuôi hiện đại của mình, anh Huy đã đầu tư tổng số vốn hơn 20 tỉ đồng. Hiện nay trang trại heo nái của gia đình anh là mô hình làm ăn hiệu quả trên địa bàn Hà Tĩnh, là nơi để những người nông dân có máu làm ăn đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm phát triển chăn nuôi".
Nói về những thành công của mình, anh Huy chia sẻ: "Với những kết quả đạt được như ngày hôm nay, bên cạnh những nỗ lực của bản thân, gia đình tôi cũng nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung ương thông qua những chính sách ưu tiên phát triển chăn nuôi, tạo điều kiện về đất đai, giao thông. Đặc biệt, năm 2014 gia đình tôi được tỉnh cho vay và hỗ trợ lãi suất với số vốn 2,2 tỉ đồng; huyện hỗ trợ 800 triệu đồng; nhà nước hỗ trợ 70% lãi suất ngân hàng…".
Bình luận (0)