Sản phẩm vì nông dân
Ở Công ty CP Bao bì Sài Gòn, anh Lê Phước Hòa được xem là cây sáng kiến vì những đóng góp thiết thực cho người dân thông qua các sản phẩm như màng lót ruộng muối, túi trồng cây trong nhà kính, màng phủ công nghiệp… Nhiều diêm dân còn cho rằng nhờ có anh mà sản lượng muối của họ cao hơn, chất lượng tốt hơn.
Không ngừng nỗ lực
Trong tổng số 118 lao động giỏi được tôn vinh, chị Tạ Thị Minh Nguyệt, công nhân của DNTN Bánh kẹo Á Châu, được xem là tấm gương nỗ lực không ngừng. Tốt nghiệp THPT, trong khi bạn bè chọn những trường đại học danh tiếng để thi vào thì chị lại xin làm thợ bánh. Chị vẫn không thể quên những ngày tháng miệt mài học nghề bên các thợ chính để biết cách làm ra những chiếc bánh ngon. Chị cho biết: “Thời gian ấy, tôi luôn nỗ lực học hỏi đồng nghiệp cũng như các sách về ẩm thực. Tôi chỉ mong những chiếc bánh làm ra được thơm ngon, đi vào lòng thực khách”.
Thành công đầu tiên đến với chị chính là huy chương vàng tại hội thi “Đầu bếp Sài Gòn”. Với thành tích đạt được, chị lại được công ty cử tham gia cuộc thi “Trang trí bánh kem quốc tế” tổ chức tại Hồng Kông. Ở lần thi ấy, chị đã mang về cho đoàn Việt Nam huy chương bạc.
Tháng 8-2011, chị Nguyệt tiếp tục tham gia cuộc thi “Trang trí bánh kem thế giới” tổ chức tại Philippines. Để bài thi hoàn hảo, chị phải thức cả đêm làm hết vòng sô-cô-la này đến vòng sô-cô-la khác cho chiếc bánh kem của mình. Trở ngại đối với chị lúc bấy giờ chính là độ lạnh không đủ nên những vòng sô-cô-la làm ra thường bị gãy. Chị phải nhờ nhân viên khách sạn tăng độ lạnh của tủ để sô-cô-la cứng nhanh hơn. Đáp lại sự kiên trì ấy, chị đã giành huy chương vàng tại cuộc thi này.
Hết lòng vì trẻ em nghèo
“Ngày xưa, mỗi khi được phân công về vùng duyên hải TPHCM, ai cũng ngán ngại nên khóc như mưa. Tôi lấy làm lạ, tự hỏi sao mọi người lại sợ vùng đất ấy đến thế”- cô Lương Thị Mỹ Lệ, giáo viên Trường Tiểu học Long Thạnh, huyện Cần Giờ, tâm sự. Vì thế, vừa tốt nghiệp sư phạm, cô đã xung phong đến ngay vùng đất ấy.
Những ngày đầu, cô giáo Lệ mới thấm thía sự khó nhọc ở Cần Giờ khi phải đối diện với việc thiếu nước, thiếu điện, thiếu mọi phương tiện vật chất... Lớp học của cô khi là mái đình, lúc là những mái tranh sơ sài ngăn cách bằng mấy tấm phên. Còn học trò vui thì đến trường, buồn thì ra sông mò cua, bắt ốc. Để học sinh đến trường, cô đã đến từng nhà, vận động từng phụ huynh đưa con đến lớp. Ngoài ra, để những giờ học thêm sinh động, cô đã lượm vỏ sò, vỏ ốc, nghêu về làm giáo cụ giảng dạy. Cô bùi ngùi: “Có những lúc tôi phải vượt gần 80 km đường đất đỏ lên trung tâm TP dự hội thi giáo viên dạy giỏi hay các kỳ thi cấp quốc gia. Khi đến nơi thì tóc đã nhuộm màu đất đỏ”. Tuy vậy, cô vẫn không thể rời xa vùng đất đầy khó khăn, nơi mà những học trò nghèo luôn cần giáo viên để các em có thêm kiến thức, con chữ đầu đời.
Đã 30 năm trôi qua, cô Lệ vẫn bám trường, bám lớp. Không những thế, cô còn có rất nhiều sáng kiến được công nhận cấp TP và quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM: Tích cực đóng góp cho TP 118 lao động giỏi được tôn vinh là những lao động rất bản lĩnh, năng động, sáng tạo, tiên phong trong việc vượt qua khó khăn, hoàn thành công việc. Họ đã sống rất có ích, có ý nghĩa khi mang lại được những thành quả lớn lao cho xã hội. Chính họ đã góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của TP đạt được kết quả khả quan. |
Bình luận (0)