Tại khu nhà trọ ở xã Trung An, huyện Củ Chi, TP HCM, nhiều công nhân (CN) thuê với mức giá từ 400.000 đồng – 600.000 đồng. Mỗi phòng trọ chỉ vỏn vẹn vài mét m2, nóng bức vào mùa nắng, lạnh lẽo vào mùa mưa nhưng đa số CN phải cắn răng chấp nhận.
Nhà trọ ẩm thấp, tạm bợ của công nhân ở xã Trung An, huyện Củ Chi, TP HCM
“Vợ chồng tôi thuê ở đây được 2 năm, mọi thứ sinh hoạt như tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ…đều phải dùng nhà vệ sinh tập thể, mỗi lần đi tắm phải chờ thật lâu mới có phòng. Nhiều thứ bất tiện lắm nhưng phải chịu vì giá rẻ” - chị Neang Sane (dân tộc Khmer), CN Công ty Việt Nam Samho (100% vốn Hàn Quốc; huyện Củ Chi, TP HCM) cho biết.
Chị Neang Sane vào làm ở công ty hơn 2 năm với mức lương là 3,6 triệu đồng cộng với tiền lương CN của chồng chưa được 7 triệu đồng nên đời sống gia đình hết sức chật vật. Do cuộc sống khó khăn nên vợ chồng chị buộc phải gửi 2 đứa con cho ông bà ngoại ở An Giang. “Vợ chồng tôi tiết kiệm tối đa như vậy mà vẫn không có dư, có tháng không có tiền gửi về quê cho 2 đứa nhỏ”- chị Neang Sane bộc bạch.
Ở phòng trọ kế bên, chị Ê Ban (dân tộc Ê đê), cho biết chị còn độc thân nhưng với mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng/ tháng, dù đã chi tiêu dè sẻn nhưng vẫn không có dư. Nhắc đến hoàn cảnh sống hiện tại, chị Ê Ban thở dài: “Em thuê phòng trọ này với giá 400.000 đồng ở cùng với đứa em cũng làm CN nhưng nó về quê rồi, giờ có mình em, sắp tới em phải tìm chị em nào về ở chung chứ ở một mình chịu không nổi tiền nhà”
Nhếch nhác là cảnh thường thấy ở các khu nhà trọ
Gia đình chị Nguyễn Ngọc Giao, CN Công ty TNHH Triple Việt Nam (100% vốn Đài Loan; huyện Củ Chi, TP HCM) cũng không khá hơn. Với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng (đã tính tiền tăng ca), chồng chị làm bốc vác nên cuộc sống gia đình rất bấp bênh.
Chúng tôi đến thăm khi gia đình chị đang ăn cơm chiều. Bữa ăn rất đơn giản, chỉ có 2 quả trứng luộc, 1 đĩa đậu hũ chiên. Nghe cháu Duyên- con gái chị mới 5 tuổi hồn nhiên hỏi: “Hôm nay ăn đậu hũ nữa hả mẹ? Sao cơm nhà mình không có thịt cá gì hết vậy mẹ?” chúng tôi không khỏi xúc động.
“Mỗi tháng chi phí gửi 2 đứa nhỏ đã hết 2,5 triệu đồng nên tôi chọn cách tiết kiệm chi tiêu ăn uống, mỗi bữa chỉ dám xài từ 10.000 đồng – 15.000 đồng. Vợ chồng tôi ăn sao cũng được chỉ tội 2 đứa nhỏ, ăn uống kham khổ quá nên cứ bệnh hoài”- chị Giao nghẹn lời.
"Hôm nay ăn đậu hũ nữa hả mẹ?..."- vẻ mặt thất vọng của bé Duyên bên mâm cơm
(*) Xem báo Người Lao Động Online từ ngày 25-8-2015
Bình luận (0)