“Anh ơi, có cách gì cứu mẹ em với? Người ta đưa mẹ em sang Ả Rập Saudi rồi bỏ mặc, giờ không biết sống chết ra sao?…”. Trong cuộc gọi đến Báo Người Lao Động vào tối 24-7, chị Nguyễn Thị Xuân Dung (ngụ quận 5, TP HCM) khẩn thiết cầu cứu.
Khóc hận ở Ả Rập Saudi
Chị Dung cho biết mẹ chị năm nay 56 tuổi. Qua giới thiệu của “cò” lao động, tháng 4-2015, bà tìm đến một văn phòng tư vấn và tiếp nhận hồ sơ lao động xuất khẩu (nằm trên đường Nguyễn Hồng Đào, phường 14, quận Tân Bình, TP HCM). Sau 1 tháng tập trung, ngày 15-6, mẹ chị xuất cảnh sang Ả Rập Saudi.
Đăng ký qua doanh nghiệp xuất khẩu lao động, người lao động tránh bị kẻ xấu lừa đảo. Trong ảnh: Lao động do Công ty Tracimexco tuyển chọn trúng tuyển sang Nhật
Trước khi đi, bà được hứa hẹn làm việc nhẹ nhàng phù hợp tuổi tác, phục vụ cho gia đình 4 người; được bố trí nơi ăn, ở, chăm sóc y tế đàng hoàng, thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau khi sang Ả Rập Saudi, bà bị ép phục vụ một gia đình 13 người, ngày ăn 1 bữa, bị cấm gọi điện thoại về cho gia đình. Tháng lương đầu tiên, bà chỉ nhận được khoảng 3 triệu đồng. “Mẹ tôi lén gọi điện thoại về cầu cứu, bảo tìm cách đưa về nước. Gia đình tôi nhiều lần đến văn phòng tư vấn yêu cầu can thiệp nhưng họ luôn né tránh. Đã vậy, họ còn bảo đóng 60 triệu đồng mới được đưa về” - chị Dung nói.
Thông qua sự hỗ trợ của chúng tôi, chị Dung đang liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Ả Rập Saudi để có biện pháp can thiệp. Vấn đề là vì sao gia đình chị Dung lại để người thân khá lớn tuổi sang Ả Rập Saudi? Chị Dung trần tình: “Anh chị em tôi đủ sức nuôi mẹ nhưng vì quá tin lời người ta, thấy cái gì vẽ ra cũng tốt, việc nhẹ lương cao nên mẹ quyết chí đi cho bằng được”.
Lừa dễ đến… khó tin!
Tình trạng cá nhân, tổ chức không có chức năng xuất khẩu lao động (XKLĐ) lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết của người lao động (NLĐ) để lừa đảo diễn ra khá nhiều trong thời gian qua. Điều đáng nói là chỉ cần vài chiêu trò khoe mẽ, NLĐ dễ dàng dính bẫy lừa.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam Phạm Thị Duyên (38 tuổi; trú huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quen biết qua mạng xã hội, Duyên khoe với anh Trần Đình Thắng (trú huyện Can Lộc) là đang giữ chức phó giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại Đà Nẵng, có người thân mở công ty ở Hàn Quốc, dễ dàng giúp anh sang nước này. Chỉ có vậy mà anh Thắng vay mượn khắp nơi để có 130 triệu đồng nộp cho Duyên. Bằng thủ đoạn tương tự, đối tượng này lừa lấy 70 triệu đồng của một lao động khác ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
Với ông Nguyễn Đình Tiến (SN 1965; ngụ thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), bài học bị lừa sang Anh Quốc cả đời không bao giờ quên. Khoảng cuối năm 2014, ông Tiến quen biết 2 anh em ruột Nguyễn Văn Tuấn (SN 1981) và Nguyễn Văn Tú (SN 1986; cùng trú tại thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc). Tuấn và Tú hứa giúp ông sang Anh Quốc. Để thuyết phục ông Tiến, Tú giới thiệu cấp bậc thiếu tá, làm ở Cục An ninh - Bộ Công an, còn Tuấn khoe là cảnh sát kinh tế, công tác tại TP Hà Nội. Vì quá ham sang trời Âu, ông Tiến về nhà vét hết tài sản, chung chi 200 triệu đồng cho Tuấn và Tú. Chỉ đến khi 2 kẻ giả danh cán bộ công an bị bắt, ông Tiến mới biết mình bị lừa và hối hận vì cả tin.
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra gần 200 vụ lừa đảo XKLĐ với hàng ngàn nạn nhân, chủ yếu lao động nghèo ở các vùng nông thôn. Trong số này, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngoài một số vụ lừa đảo “ăn theo” các chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản, Đức và chương trình cấp phép lao động EPS ở Hàn Quốc, có rất nhiều vụ lừa đưa lao động giúp việc gia đình sang Ả Rập Saudi. Một số cá nhân, tổ chức không có chức năng XKLĐ đến các tỉnh Tây Ninh, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh… để tuyển mộ lao động, hứa hẹn thu nhập cao nhưng sau khi đưa sang Ả Rập Saudi thì bỏ mặc.
Chỉ nộp tiền sau khi ký hợp đồng hợp pháp
Trước tình hình lừa đảo gia tăng, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo NLĐ chỉ nên đăng ký đi làm việc ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp có chức năng XKLĐ. Bên cạnh đó, thời gian qua có hiện tượng một số cá nhân, tổ chức mạo danh doanh nghiệp XKLĐ, làm giả hợp đồng để lừa gạt NLĐ. Để tránh bị lừa, NLĐ cần tìm hiểu kỹ thông tin, chỉ nộp tiền sau khi ký hợp đồng và hợp đồng phải có chữ ký, đóng dấu của lãnh đạo doanh nghiệp XKLĐ.
Bình luận (0)