Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về đề xuất bổ sung các quy định liên quan tới xử lý kỷ luật công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.
Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức số 52/2019/QH14 (có hiệu lực từ 1-7-2020) khẳng định, mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về đề xuất bổ sung các quy định liên quan tới xử lý kỷ luật công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2020
Theo đó, dự thảo Nghị định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã bổ sung các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng có vi phạm trong quá trình công tác (gọi chung là người đã nghỉ việc, nghỉ hưu). Cụ thể, bổ sung nguyên tắc xử lý kỷ luật: Việc xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện sau khi có quyết định xử lý kỷ luật về Đảng; Được xử lý kỷ luật người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có vi phạm trong thời gian công tác không phải thành lập Hội đồng kỷ luật; Được sử dụng kết luận của cấp ủy, tổ chức Đảng theo quy định phân cấp quản lý của Đảng hoặc kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu để xử lý kỷ luật mà không phải điều tra, xác minh lại.
Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu: Cấp có thẩm quyền hoặc người có thẩm quyền phê chuẩn, bổ nhiệm; Thủ tướng Chính phủ (đối với các chức vụ, chức danh cấp tỉnh do Ủy ban Thường vụ QUốc hội phê chuẩn).
Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật sẽ ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận người đã nghỉ việc, nghỉ hưu không vi phạm pháp luật.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo kết luận việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu tiến hành không đúng quy định thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ký quyết định kỷ luật phải hủy quyết định đó.
Đồng thời, xem xét xử lý kỷ luật theo đúng trình tự, quy định. Dự thảo Nghị định này dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.
Bình luận (0)