Thống kê cho thấy thực tế có khoảng 60%-70% người tham gia BHYT sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh (KCB); tần suất KCB của người dân từ 2-2,1 lần/năm. Trong những năm qua, ngoài việc chi trả chi phí KCB thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh mạn tính khác như ung thư, tim mạch, suy thận đến các loại kỹ thuật cao như chi trả mổ rô bốt, mổ nội soi, chụp CT scanner... Tính riêng trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm Quỹ BHYT chi trả khoảng từ 1.500-1.700 tỉ đồng cho bệnh nhân đặt stent động mạch vành và hàng ngàn tỉ đồng cho các bệnh nhân đặt thủy tinh thể nhân tạo. Theo số liệu thống kê trên hệ thống Thông tin giám định BHYT, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước có 75,58 triệu lượt KCB BHYT với số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là trên 48.774 tỉ đồng. Trong đó có hơn 68,6 triệu lượt KCB ngoại trú với số tiền đề nghị thanh toán là trên 18.740 tỉ đồng; gần 7 triệu lượt KCB nội trú với số tiền đề nghị thanh toán là trên 30.033 tỉ đồng. Đáng chú ý, có 213 bệnh nhân chi phí KCB BHYT đề nghị cơ quan BHXH thanh toán từ 0,5-1 tỉ đồng; 25 bệnh nhân có chi phí KCB BHYT đề nghị cơ quan BHXH thanh toán trên 1 tỉ đồng. Từ năm 2016 đến nay, số chi KCB BHYT thường xuyên cao hơn quỹ KCB BHYT được sử dụng trong năm. Tỉ lệ sử dụng quỹ KCB BHYT trong năm của năm 2016 là 112%, năm 2017 là 123,1%, năm 2018 là 109,7%, năm 2019 là 119% và năm 2020 ước tính là 112%.
Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, việc tiếp cận các dịch vụ KCB BHYT của người tham gia đang ngày càng tốt hơn, điển hình là chính sách thông tuyến trong KCB BHYT. Đặc biệt, từ ngày 1-6, nhằm giúp người bệnh được thuận tiện hơn trong KCB BHYT, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ sở KCB BHYT đưa vào sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng "VssID - BHXHsố" trên nền tảng thiết bị di động (cùng với giấy tờ tùy thân) của người tham gia để thay thế cho thẻ BHYT giấy khi đi KCB.
Bình luận (0)