“Bên cạnh những thành quả đã đạt được, hệ thống chính sách BHXH còn tồn tại những bất cập, hạn chế cần phải hoàn thiện trong thời gian tới như: đối tượng tham gia BHXH thấp, chỉ có 10,2 triệu người; tình trạng trốn, nợ BHXH với số tiền hơn 7.000 tỉ đồng (tính đến năm 2012) đã làm mất đi cơ hội hưởng quyền lợi BHXH của hàng ngàn người lao động (NLĐ) gặp rủi ro trong quá trình lao động…”. Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), nhìn nhận như vậy tại hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Luật BHXH vừa tổ chức ở TP HCM.
Bất cập, lỗi thời
Tình trạng nợ, chậm đóng BHXH còn phổ biến ở các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ BHXH). Ngoài nguyên nhân DN thực sự gặp khó khăn, còn do quy định chế tài quá nhẹ nên nhiều DN cố tình chiếm dụng BHXH và chấp nhận chịu phạt. Hiện chưa có DN nào bị rút giấy phép do trốn, nợ BHXH.
Về BHXH bắt buộc, quy định điều kiện hưởng lương hưu, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ chưa tạo sự bình đẳng; việc cho phép NLĐ có dưới 20 năm đóng BHXH nhận trợ cấp một lần không phù hợp với mục tiêu bảo đảm cuộc sống cho NLĐ khi hết tuổi lao động; quy định về tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ tính hưởng BHXH còn có sự khác biệt giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài quốc doanh; trợ cấp tuất hằng tháng và một lần hiện nay còn có sự chênh lệch lớn. Trong khi đó, mức đóng BHXH tự nguyện còn cao; nhóm đối tượng nam từ 45 tuổi trở lên và nữ từ 40 tuổi trở lên không thể đủ điều kiện về thời gian để hưởng lương hưu.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng bất cập trong Luật BHXH còn bộc lộ ở chỗ tiền lương đóng BHXH thấp hơn nhiều so với lương thực trả nên chưa bảo đảm an sinh cho NLĐ khi gặp rủi ro. Công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính mà chưa có quy định xử lý hình sự đối với các trường hợp chây ì, chiếm dụng tiền BHXH của NLĐ. Điều này làm cho tình trạng vi phạm pháp luật BHXH trở nên phức tạp, dây dưa, kéo dài.
Nhiều quy định phải sửa đổi
Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam, cho biết để hoàn thiện chính sách BHXH cần sửa đổi điều kiện hưởng BHXH 1 lần (chỉ cho phép đối với NLĐ hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài định cư), nên quy định cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH sửa đổi trở đi là bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH. Ngoài ra, nên cho phép thân nhân NLĐ được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần.
Về BHXH tự nguyện, theo ông Nguyễn Hùng Cường, không nên khống chế thời gian đã đóng BHXH khi hết tuổi lao động để đóng tiếp BHXH tự nguyện và nhà nước nên hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện trong một số trường hợp như: lao động nông thôn, vùng cao, diện nghèo…
Để bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu, ông Mai Đức Chính đề nghị quy định tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương theo công việc hoặc chức danh, cộng với phụ cấp và các khoản bổ sung khác theo điều 90 Bộ Luật Lao động. |
Bình luận (0)