Rồi vì em bị đánh rớt nên tôi quên luôn lời hứa của mình. Tôi đơn giản nghĩ rằng nếu thấy nhà tuyển dụng im lặng thì ứng viên phải tự hiểu rằng mình không được chọn lựa. Chính suy nghĩ ấy đã khiến hình ảnh của tôi trong em ứng viên ấy thật xấu xí.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Dưới dòng trạng thái ấy có hàng trăm ý kiến, hầu hết là chê trách cách hành xử của các nhà tuyển dụng như đăng tin tuyển dụng mà không ghi tên công ty, mời gọi phỏng vấn mà yêu cầu người ta nộp hồ sơ công chứng và giấy khám sức khỏe, mời tới phỏng vấn đột ngột không báo trước, thông báo tuyển dụng ghi "không yêu cầu kinh nghiệm" nhưng đến khi phỏng vấn thì lại hỏi "em đã có kinh nghiệm gì ở vị trí này chưa?", không thèm đọc hồ sơ ứng viên trước khi phỏng vấn, đặt những câu hỏi chẳng ăn nhập gì tới vị trí ứng tuyển như "em có người yêu chưa?"… Đặc biệt, tất cả các ý kiến đều chê trách việc các nhà tuyển dụng im lặng, không có phản hồi khi ứng viên bị đánh trượt.
Càng đọc tôi càng thấy mắc cỡ, không ngờ mình lại trở thành đề tài để những người trẻ phê phán, đả phá những nhà tuyển dụng như vậy. Tôi nghĩ mình không phải là trường hợp cá biệt bởi đa số trong hàng trăm ý kiến ấy đều xuất phát từ thực tế các em đã trải qua. Điều đó có nghĩa không riêng tôi mà nhiều nhà tuyển dụng khác đã hành xử thiếu chuyên nghiệp đối với các ứng viên trẻ. Một câu trả lời thẳng thắn thông báo kết quả cùng một lời cảm ơn là điều các ứng viên trẻ yêu cầu từ nhà tuyển dụng. Dễ thôi mà sao chúng tôi không thực hiện được?
Nói không quá, bộ phận tuyển dụng là bộ mặt của công ty. Khi tiếp xúc, ứng viên có thể qua cách tiếp đón, chuyện trò, cách đặt câu hỏi, phong thái của người phỏng vấn mà suy ra văn hóa của công ty. Sau sự cố này, tôi tự nhủ lòng sẽ không bao giờ "tái phạm". Tôi nhất định sẽ là một nhà tuyển dụng có văn hóa.
Bình luận (0)