ĐBQH Võ Thị Dung (TP HCM): Sửa Điều 60, Quốc hội cần có một lời xin lỗi với người lao động
Mở đầu phần ý kiến của mình khi đề cập về việc sửa đổi Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), giọng ĐBQH Võ Thị Dung trầm buồn: “Khi công nhân phản ứng về điều luật này, bản thân tôi là một đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bấm nút thông qua điều luật cũng cảm thấy có lỗi và xấu hổ”.
ĐB Dung tiếp lời: “Bên cạnh việc sửa đổi thì Quốc hội cũng cần có một lời xin lỗi với người lao động (NLĐ) để thể hiện sự cầu thị, thực tâm trong việc sửa đổi, chứ không phải chỉ sửa là xong”.
Cùng chung tâm trạng, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) thậm chí còn dùng từ “xấu hổ” khi nói về việc phải sửa đổi một điều luật vừa được thông qua chưa có giá trị hiệu lực, nhưng lại nhận được phản ứng gay gắt từ phía NLĐ.
“Một bộ luật vừa mới thông qua chưa có giá trị mà phải điều chỉnh thì cũng thấy xấu hổ chứ. Lỗi này tại ai? Tất nhiên trong đó có mình trước tiên vì mình đã bấm nút thông qua. Nhưng tôi thấy quy trình làm luật của chúng ta có vấn đề, biểu quyết thông qua luật theo hướng toàn văn hoặc chọn một số điều thông qua nhưng không gây ý kiến tranh luận”- ông Ngân chia sẻ và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cần xem xét và đưa ra hình thức nào để chính các ĐBQH là người quyết định được luật.
Cũng theo ông Ngân, trong báo cáo của Chính phủ cũng như Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, không nên dùng cụm từ “trước mắt sửa theo hướng”. “Đây không phải là vấn đề trước mắt mà là vấn đề lâu dài. Nếu dùng từ “trước mắt” sẽ khiến NLĐ hoài nghi, năm nay sửa rồi thì năm sau có thể sửa lại. Phải khẳng định, luật pháp là lâu dài, ổn định” – ĐB Trần Hoàng Ngân quả quyết.
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ về đề xuất sửa đổi Điều 60, nhưng theo ĐBQH Trần Thanh Hải (TP HCM) các lý do đưa ra đúng, song chưa đủ. Ông Hải cũng tỏ ra không đồng tình với quan điểm cho rằng “NLĐ không hiểu được việc cần tích lũy đóng thời gian bảo hiểm để được hưởng lương hưu nên muốn nhận một lần”.
Vị ĐB là Phó chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam dẫn trường hợp của một nữ công nhân làm việc tại một công ty có vốn đầu nước ngoài tại quận Bình Tân (TP HCM) với 18 năm đóng BHXH nhưng khi về hưu chỉ được lĩnh vỏn vẹn 943.000 đồng/tháng. “NLĐ bức xúc và đặt câu hỏi với chúng tôi, số tiền lương hưu đó thì hàng tháng họ xoay xở với cuộc sống ra sao? Vì thế mà họ muốn được lĩnh bảo hiểm một lần để có tiền kinh doanh…. Rõ ràng, chính sách tiền lương hưu cho NLĐ hiện quá thấp, chưa trở thành động lực cho NLĐ”- ông Hải nói.
Nhấn mạnh việc Chính phủ tiếp thu đề xuất sửa ngay Điều 60 trong kỳ họp Quốc hội lần này là đáng hoan nghênh, nhưng vẫn có điều “gờn gợn” khiến ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm băn khoăn.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói thẳng phải xem lại cách làm luật hiện nay, vì sao tính khả thi của luật lại không cao. Bà Tâm cũng cho rằng, đây không phải lần đầu tiên những điều luật Quốc hội thông qua chưa có hiệu lực thi hành đã gặp sự phản đối của đối tượng chịu sự tác động. “Nên cần xem lại cách lấy ý kiến xem tính phổ quát và thực chất của việc lắng nghe đã tốt chưa, có thực sát và thực muốn nghe hay không. Lắng nghe rồi nhưng sự tiếp thu, cầu thị đã tốt chưa”- ĐB Quyết Tâm bày tỏ.
Trước ý kiến cho rằng, do công tác tuyên truyền chưa tốt nên NLĐ chưa hiểu được hết ý nghĩa nhân văn của Điều 60, ĐB Quyết Tâm cho rằng chỉ đúng một phần nhỏ. “Làm sao tổ chức Công đoàn tuyên truyền được khi công nhân đưa ra chứng minh cụ thể và rất chính xác, rằng 1 công nhân lành nghề làm việc 18 năm, khi tới tuổi nghỉ hưu vừa phải đóng thêm 21 tháng bảo hiểm tự nguyện để được hưởng mức lương hưu 943.000 đồng/tháng, thì làm sao họ sống được với đồng lương hưu đó. Nên họ phải chọn cách lĩnh một lần để có thêm đồng vốn kinh doanh, trang trải cuộc sống… Nên nói không tuyên truyền là thiếu trách nhiệm”- bà Tâm quả quyết.
ĐB Trần Thanh Hải thì đề xuất dù việc cải thiện thu nhập, chính sách lương hưu cho người lao động, làm công ăn lương là khó khăn, nhưng khó vẫn phải làm.
Bình luận (0)