Ông Trần Quốc Ninh, Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động và chuyên gia (Suleco) – TPHCM đã nói như vậy với phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 24-5 về sự kiện người lao động (NLĐ) phải về nước sớm do bị phía nước ngoài phá vỡ hợp đồng. Đến ngày 23-5, toàn bộ 97 NLĐ do Công ty Suleco đưa đi làm việc tại Palau đã về nước trong hai đợt: đợt một ngày 16-5 với 27 người, đợt hai ngày 23-5 với 70 người.
Năm 2001, Công ty Suleco đưa 97 lao động sang làm việc tại Nhà máy May Airai Garment (thuộc nước Cộng hòa Palau) thông qua công ty chủ quản Ampaltex có trụ sở ở Đài Loan. Theo hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên, NLĐ làm việc trong hai năm, mức lương hàng tháng không thấp hơn 300 USD. Nhưng trên thực tế nhà máy đã liên tục vi phạm hợp đồng: Hạ đơn giá tiền lương, không trả tiền làm thêm giờ dẫn đến việc công nhân nhiều lần tiến hành đình công.
Trong khi chờ tiếp tục thương lượng với đối tác, phó giám đốc Công ty Suleco Trịnh Xuân Phú đã được cử sang Palau làm nhiệm vụ quản lý và động viên NLĐ tiếp tục thực hiện hợp đồng. Nhưng đêm 23-4, những người điều hành Nhà máy Airai Garment rời khỏi Palau, đến ngày 28-4 NLĐ được thông báo nhà máy đóng cửa, tiền lương tháng 3, 4 (hơn 70.000 USD) không ai giải quyết.
Ông Ninh cho biết thêm, trước tình hình khó khăn của NLĐ, vào tháng 3-2002 ông Ninh đã sang Palau để thương lượng nâng đơn giá gia công cho NLĐ. Hiểu rõ hoàn cảnh NLĐ, phải vay mượn, xoay xở mới có tiền đi Palau (tổng chi phí để đi làm việc là 1.900 USD/người) nên công ty đã mời gia đình NLĐ đến nhận lại khoản tiền đặt cọc mỗi người 600 USD. Khi Nhà máy Airai Garment đóng cửa vì phá sản, công ty đã báo cáo tình hình với Cục Quản lý lao động với nước ngoài, Sở LĐ-TB-XH TPHCM và được chỉ đạo phải đưa ngay NLĐ về nước. Ngoài chi phí vé máy bay đã ứng trước cho NLĐ, công ty còn trợ cấp thêm mỗi người 20 USD để về nhà. Công ty cam kết sẽ đại diện cho NLĐ để khởi kiện xung quanh thực hiện hợp đồng lao động. Cụ thể: Phía Đài Loan phải bồi thường 2 tháng tiền lương cho NLĐ (600 USD), trả tiền lương tháng 3, 4; tiền vé máy bay. Suleco dự kiến thương lượng với công ty môi giới để yêu cầu hoàn trả một phần số tiền môi giới theo tỉ lệ thời gian NLĐ chưa làm việc (50 người đã làm 16 tháng, 47 người mới làm 8 tháng).
Bình luận (0)