Ông Phạm Đình Ngưu, Trưởng Ban Tài chính Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết năm 2013, kinh phí nộp về Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạt 86% so với kế hoạch giao (143/167 tỉ đồng) và bằng 63% so với năm 2012. Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn cấp kinh phí cho các đơn vị đạt 100% so với dự toán và cấp bổ sung theo quyết toán thực tế, bảo đảm đúng, đủ kinh phí cho các đơn vị. Năm 2013, tài chính CĐ đã chi cho CĐ cơ sở 68,97%, cấp trên cơ sở là 15,49%, LĐLĐ tỉnh và ngành trung ương 14,45%, Tổng LĐLĐ Việt Nam và đơn vị trực thuộc chỉ 1,09%.
Từ ngày 1-1-2013, Luật CĐ có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý cho việc thu kinh phí CĐ. Song, do nghị định quy định chi tiết về tài chính CĐ ban hành chậm, đặc biệt là nghị định về xử phạt vi phạm Luật CĐ đến nay vẫn chưa có nên việc thu kinh phí CĐ ở khu vực ngoài nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, LĐLĐ một số tỉnh, TP chưa tích cực chỉ đạo, đôn đốc, chưa có giải pháp để khai thác nguồn thu kinh phí CĐ.
Ông Trần Thanh Hải khẳng định thu kinh phí, đoàn phí CĐ là điều kiện sống còn để bảo đảm hoạt động của tổ chức CĐ. Nếu tài chính CĐ không phục vụ tích cực, hiệu quả cho đoàn viên và người lao động thì rất khó xây dựng CĐ vững mạnh, nhất là trong bối cảnh hoạt động CĐ đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức.
“Công tác tài chính CĐ cần có cơ chế để tăng thu, tiến tới thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật. Việc thu kinh phí và đoàn phí CĐ phải phục vụ tốt nhất cho đoàn viên, để họ thấy được lợi ích khi gia nhập tổ chức CĐ. Cần tăng cường kiểm tra đồng cấp và cấp dưới để quản lý được tài chính CĐ đúng quy định và hiệu quả” - ông Hải lưu ý.
Bình luận (0)