Trao đổi với báo chí mới đây, TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực công phải được xem như vấn đề cấp bách và cần được giải quyết theo tinh thần cấp bách. Do vậy, cần thiết phải tăng lương ngay từ đầu năm 2023, thậm chí có thể tiến hành ngay trong quý 4 năm 2022 này.
Theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, ban đầu việc cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức dự kiến áp dụng từ năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng COVID-19 nên Trung ương đã quyết định lùi cải cách tiền lương với công chức đến thời điểm thích hợp.
Công chức BHXH TP HCM trong giờ làm việc ẢNH: HOÀNG TRIỀU
Ngày 9-10-2022, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo về phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập như sau: Chính phủ đã trình các cấp có thẩm quyền dự kiến sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực công từ 1,49 triệu đồng lên khoảng 1,8 triệu/tháng (tăng khoảng 20,8%), dự kiến thực hiện từ ngày 1-7-2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp. Như vậy, nếu đề xuất tăng lương cơ sở tại Hội nghị Trung ương 6 được thông qua thì từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức khu vực công sẽ là 1,8 triệu đồng/tháng.
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc là công chức, viên chức bày tỏ mong muốn lương cơ sở nên tăng từ đầu năm 2023. Bạn đọc Lê Duy Nhân đề xuất: "Kính mong Quốc hội cho tăng lương cơ sở từ ngày 1-1-2023 chứ hiện tại lương quá thấp mà vật giá thì leo thang quá". Đồng quan điểm, một bạn đọc tên Tuấn góp ý: "Nên tăng lương cơ sở từ 1-1-2023. Lý do: 1. Phương án tăng lương cơ sở đã đề xuất từ 2021 nhưng vì lý do dịch bệnh nên dời lại. 2. Hiện nay giá thành các mặt hàng đều tăng cao, song song với tiền lương cơ sở chưa tăng kịp thì không đủ tiêu dùng". Tương tự, bạn đọc Đỗ Thị Hồng cũng mong chính phủ tăng lương cơ sở từ tháng 1-2023 vì giá cả tất cả các mặt hàng đều tăng rồi.
Công chức BHXH TP HCM trong giờ làm việc ẢNH: HOÀNG TRIỀU
Theo bạn đọc Võ Thanh Bình, vì sao không tăng lương cơ sở lên từ đầu năm 2023 mà phải đợi đến ngày 1-7-2023? Trong khi đó giá cả vật chất leo thang từng ngày, từng giờ, đời sống công chức, viên chức tại địa phương vất vả lắm rồi. Bạn đọc Trần Thị Như Phi đặt câu hỏi: "Có quá muộn không khi đến mãi tháng 7 mà không phải là tháng 1-2023?. Bắt đầu nghe thông tin này thì giá cả lại leo thang và lương lại chơi trò rượt bắt cùng giá cả. Mong Quốc hội xem xét cho tăng sớm hơn".
Một bạn đọc tên Cường tha thiết mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và các Bộ ngành quyết định tăng lương từ ngày 1-1-2023 vì công chức, viên chức chờ đợt lâu quá rồi, khó khăn quá rồi. Theo bạn đọc Nguyễn Thị Thạnh, Quốc hội nên cho hưởng sớm hơn 7 tháng. Thay vì 1-7-2023 thì cho bắt đầu từ 1-1-2023. "Sau 2 năm khó khăn nhiều mặt vì đại dịch, nay trước được 7 tháng cũng đáng trân quý"-bạn đọc này viết. Bạn đọc Nguyễn Thanh An đề nghị nên sớm thực hiện các nghị quyết đã lỡ "hẹn" để công chức, viên chức được cải thiện đời sống,
Bạn đọc Nguyễn Văn Hương góp ý: "Tháng 7-2023 tăng lương cơ sở cho công chức 20,8%, tháng 1-2022 vừa rồi đã tăng lương hưu 7,4%, như vậy người nghỉ hưu tăng lương hưu thua công chức, viên chức còn làm việc 13,4%, Đề nghị tháng 7-2023 tăng lương hưu thêm 13,4% cho công bằng với công chức, viên còn làm việc.
Mức lương cơ sở được dùng làm căn cứ để tính các khoản nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP, quy định về mức lương cơ sở như sau:
Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này.
b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật.
c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Từ ngày 1 - 7 - 2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh mức lương cơ sở phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Như vậy, theo quy định trên, hiện nay mức lương cơ sở được dùng làm căn cứ tính các khoản sau đây
:- Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 38/2019/NĐ-CP.
- Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật.
- Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.Hiện nay, mức lương cơ sở áp dụng để tính các khoản trên đối với cán bộ, công chức, viên chức là 1,49 triệu đồng/tháng.
Nếu đề xuất tăng lương cơ sở được thông qua, thì từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở áp dụng để tính các khoản trên đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ là 1,8 triệu đồng/tháng.
Bình luận (0)