Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, trong bối cảnh giá cả tăng cao, việc tăng lương cho người lao động là cần thiết. Doanh nghiệp phải chia sẻ khó khăn với người lao động trước áp lực lạm phát. Hơn ai hết, chính người sử dụng lao động phải quan tâm đến người lao động. Nếu doanh nghiệp không quan tâm, người lao động có thể rời bỏ doanh nghiệp bất cứ lúc nào.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, đối với lao động trong doanh nghiệp, mức lương tối thiểu nâng lên, tiền lương, đời sống được bảo đảm hơn. Mức tiền đóng bảo hiểm cũng cao hơn, tăng chi phí bảo hiểm xã hội. Bên cạnh tăng lương tối thiểu, Chính phủ tích cực thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát và bình ổn giá.
Liên quan đến việc trình mức tiền ăn giữa ca tối thiểu cho người lao động, ông Phạm Minh Huân cho rằng “Quy định tiền ăn giữa ca cho người lao động hoàn toàn phù hợp. Chỉ có điều, hiện có một thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng bữa ăn giữa ca. Nên lần này chúng ta có đưa ra đề nghị mức sàn cụ thể, ít nhất là phải 15.000 đồng. Cụ thể, mức ăn giữa ca cũng sẽ được chia theo vùng, những vùng giá cả đắt đỏ hơn thì cao hơn”.
Theo phương án điều chỉnh lương tối thiểu được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Chính phủ, mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh cao nhất là 2 triệu đồng/tháng, áp dụng cho vùng 1, tăng từ 450.000 đến 650.000 đồng so với mức lương hiện tại đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Tại vùng 2, mức điều chỉnh sẽ là 1,78 triệu đồng/tháng. Riêng vùng 3 và vùng 4 được giữ nguyên so với đề xuất ban đầu là 1,55 triệu đồng và 1, 4 triệu đồng/tháng.
Theo An Bình
(Chinhphu.vn)
Bình luận (0)