Qua khảo sát tình hình đời sống, việc làm của 2.982 công nhân lao động (CNLĐ) ở 6 tỉnh, thành phố đông CN của do Ban Chính sách - Pháp luật và Viện Công nhân (CN) và Công đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp thực hiện, có 52,3% NLĐ có làm thêm giờ, số ngày làm thêm giờ trung bình 1 tháng là 10,71 ngày; số giờ làm thêm trung bình 1 ngày là 1,75 giờ.
Bên cạnh đó, có 76,2% NLĐ tham gia khảo sát "tình nguyện" làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, thời gian làm thêm giờ trung bình mong muốn là 47,3 giờ/tháng. Tiền lương cơ bản hằng tháng của NLĐ (làm đủ giờ công, ngày công, không bao gồm tiền làm thêm giờ) nhận được trung bình là khoảng 6 triệu đồng (tăng 8,4% so với khảo sát tháng 3-2022). Mức lương cơ bản này cao hơn tiền lương tối thiểu (LTT) từ 37,5% đến 51,9% (tùy theo từng vùng). Còn 3,5% NLĐ nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức LTT vùng.
Về thu nhập, thu nhập trung bình của 2.982 NLĐ khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hằng tháng của họ, 23,3% khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của DN. Theo kết quả khảo sát, chi tiêu năm 2023 tăng 19% so với năm 2022, với tổng chi tiêu là gần 12 triệu đồng/tháng.
Sau nhiều tháng sống chật vật với mức lương thấp, chị Lê Thị Thùy Linh, CN Công ty TNHH Danu Vina (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP HCM) rất mong được cải thiện thu nhập. Chị Linh quê Trà Vinh, lên TP HCM lập nghiệp đã 13 năm nhưng đến nay, cuộc sống vẫn chưa ổn định. Gần đây, công ty ít đơn hàng, thu nhập của cả 2 vợ chồng chị đều giảm. Chồng chị sau giờ làm phải đăng ký chạy xe công nghệ để có thêm thu nhập, xoay xở để lo cho các con ăn học. "Chúng tôi chỉ ước mong được tăng lương để có mức lương cơ bản đủ sống nhưng với tình hình này, tôi rất lo mất luôn công việc hiện có, lúc đó không biết phải sống thế nào"- chị Linh bộc bạch.
Đồng tình với đề xuất tăng LTT, tuy nhiên ông Lý Khánh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Seedcom Fashion Group (huyện Bình Chánh) cho rằng cần cân nhắc thời điểm điều chỉnh lương trong năm 2024. Ông Hoàng nhìn nhận tiền LTT vùng hiện chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu, NLĐ rất chật vật. Vì vậy việc tăng LTT vùng sẽ giúp họ có cuộc sống ổn định hơn đồng thời cũng là giải pháp kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, để DN có thể tăng lương từ ngày 1-1-2024 là bài toán khó.
Ông Hoàng cho biết từ tháng 4-2023 đến nay, tình hình kinh doanh của DN không mấy khả quan dù đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi. Vì vậy, DN buộc phải giảm giờ làm của bộ phận CN sản xuất chỉ còn 4-5 ngày/tuần khiến thu nhập của NLĐ giảm từ 20-30% so với trước. Kế hoạch sản xuất những tháng cuối năm cũng chưa thấy khả quan. "Để NLĐ giữ được mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/tháng, DN đã phải thực hiện chính sách bù lương. Tôi nghĩ tăng lương là cần thiết nhưng thời điểm tăng lương nên lùi lại đến 1-6-2024 để DN cân đối thu chi bởi đầu năm là thời điểm DN phải tính toán lương, thưởng Tết, nếu cộng thêm tăng lương thì sẽ rất khó bảo đảm" Ngoài vấn đề tăng lương, ông Hoàng cũng cho rằng cần có thêm các giải pháp hỗ trợ NLĐ như ổn định giá tiêu dùng đồng thời tăng cường các chương trình phúc lợi giúp họ giảm chi tiêu để đủ sống trong giai đoạn khó khăn.
Doanh nghiệp ổn định thì công nhân mới có việc làm, thu nhập
Sau thời gian dài sản xuất cầm chừng, Công ty CP Sản xuất giày Thượng Thăng (huyện Bình Chánh) cũng phải đang tính toán đến chuyện không tái ký hợp đồng với những lao động hết hạn hợp đồng. Bà Đào Thị Ngọc Thúy, Chủ tịch Công đoàn cho rằng phải khó khăn lắm, DN mới đưa ra quyết định này vì với ngành da giày, đào tạo một thợ lành nghề vô cùng khó khăn. Nói về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2024, bà Thúy nói: "Với công nhân, niềm mong mỏi lớn nhất hiện tại là được làm đủ giờ, đủ ngày. Là đại diện của NLĐ, tôi rất mong họ có cuộc sống tốt hơn và tăng lương giải pháp đảm bảo điều đó, song cũng cần tính đến điều kiện hiện tại của số đông DN vì chỉ khi DN trụ vững thì NLĐ mới có việc làm, thu nhập"
Bình luận (0)