Bình Dương là một trong ít địa phương trong cả nước thực hiện khá thành công mô hình nhà ở xã hội (NƠXH), nhà cho người thu thấp, qua đó hiện thực hóa giấc mơ an cư cho hàng trăm ngàn lao động nhập cư, giúp họ an tâm làm việc và xem đây là quê hương thứ hai. Tuy nhiên, do quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động (NLĐ).
Nhu cầu nhà ở trong công nhân rất lớn
Tỉnh Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp (KCN), trong đó 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất gần 11.000 ha, tỉ lệ lấp đầy hơn 88%. Tổng số lao động đang làm việc ở các KCN gần 500.000 người trong tổng số lao động toàn tỉnh là gần 1,65 triệu người. Từ năm 2011, Bình Dương đã xây dựng chương trình phát triển NƠXH. Mục tiêu của kế hoạch này là phát triển NƠXH đáp ứng nhu cầu về nhà ở của công nhân (CN) tại các đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Giai đoạn 10 năm từ 2011-2020, Bình Dương đã phát triển các loại hình NƠXH, doanh nghiệp (DN) sử dụng lao động xây nhà cho CN ở, nhà trọ người dân tự xây cho thuê với tổng diện tích trên 1,7 triệu m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho gần 629.000 người. Đặc biệt mô hình nhà ở an sinh xã hội Becamex ra đời được đầu tư xây dựng trên quỹ đất sạch với giá bán từ 100-200 triệu đồng/căn hộ (30 m2 sàn) đã thu hút được hàng ngàn CN, người có thu nhập thấp... NLĐ tại Bình Dương, thay vì thuê nhà trọ, chỉ cần trả trước 20 triệu đồng, sau đó mỗi tháng chỉ trả góp từ 1,4 đến 1,85 triệu đồng, sau 5 năm họ được sở hữu căn hộ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (bên trái) và lãnh đạo tỉnh Bình Dương thăm hỏi người lao động tại khu nhà ở xã hội Phú Hòa
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có hơn 600.000 phòng trọ cho thuê góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho NLĐ. Riêng quỹ đất 100 ha (20%) từ 32 dự án nhà ở thương mại dành để xây NƠXH, đến nay vẫn chưa được xây dựng. Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho biết mỗi năm Bình Dương cần thêm hàng chục ngàn lao động để bảo đảm phát triển các ngành công nghiệp, tăng trưởng kinh tế, do đó việc phát triển nhà ở, đô thị luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo giải quyết.
"Mục tiêu của Bình Dương đặt ra trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu phát triển thêm 1 triệu căn hộ nhằm giải quyết chỗ ở cho CN, người thu nhập thấp trên địa bàn, ưu tiên cho CN làm việc tại các KCN, cụm công nghiệp" - ông Ngân nói.
Còn nhiều vướng mắc
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, có nhiều khó khăn hạn chế trong phát triển NOXH trên địa bàn. Đó là tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến nhu cầu về nhà ở tăng, nhất là nhu cầu về nhà ở giá thấp, NƠXH nhưng nguồn cung chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là loại hình nhà ở cho thuê; công tác quy hoạch, triển khai đầu tư KCN, cụm công nghiệp chưa đồng bộ với công tác quy hoạch, đầu tư NƠXH; tiến độ triển khai dự án NƠXH (thuộc quỹ đất 20%) trong các dự án nhà ở thương mại còn chậm, do còn vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và năng lực của nhà đầu tư còn hạn chế; chính sách hỗ trợ về NƠXH, ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án NOXH đã được quy định chưa thực sự thu hút nhà đầu tư quan tâm...
Trong chuyến khảo sát tìm hiểu tình hình cuộc sống người dân tại một số khu NƠXH, nhà ở CN trên địa bàn tỉnh Bình Dương vào ngày 17-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá rất cao mô hình NƠXH của Bình Dương và cho biết thúc đẩy NƠXH, đặc biệt là nhà ở cho CN tại các KCN là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Dù Bình Dương đã làm tốt nhưng với địa bàn có nhiều KCN, người nhập cư chủ yếu là CN thì nhu cầu về NƠXH còn thiếu rất nhiều. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, dù Đảng và nhà nước rất quan tâm, tuy nhiên việc triển khai lại có vướng mắc và chưa đáp ứng được nhu cầu của NLĐ. Từ chủ trương, quy hoạch đến việc bố trí quỹ đất đầu tư xây nhà ở CN vẫn còn khó khăn. Bên cạnh đó, quy định pháp luật hiện hành cũng chưa đồng bộ; chính sách riêng cho nhà ở CN chưa thực chất; thủ tục kéo dài, tương đương nhà ở thương mại, trong khi lợi nhuận thấp hơn, do đó chưa thu hút DN tham gia.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cho biết quan điểm chung, xuyên suốt về định hướng phát triển nhà ở của tỉnh là thực hiện chính sách xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho đối tượng chính sách, CN và NLĐ có thu nhập thấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
"Hiện nay quỹ đất đã có sẵn, các DN chỉ cần hoàn tất thủ tục là có thể tiến hành. Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ an cư, qua đó tạo động lực cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của tỉnh" - ông Lợi khẳng định.
Đa dạng hóa các phương thức đầu tư
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Bình Dương cần triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính đối với các dự án phát triển NƠXH theo quy định của pháp luật nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng loại hình NƠXH. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng NƠXH, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở cho CN.
Bình luận (0)