“Chất lượng hoạt động Công đoàn (CĐ) phụ thuộc vào năng lực, bản lĩnh, trình độ của đội ngũ cán bộ CĐ. Do vậy, không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn, uy tín vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của họ”. Đó là đúc kết của ông Nguyễn Ngọc Nhân, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 5-TPHCM, tại buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về nội dung và phương pháp xây dựng CĐ cơ sở vững mạnh tổ chức mới đây.
Bắt đầu từ việc nhỏ
Khi được vận động vào CĐ, người lao động (NLĐ) luôn đặt câu hỏi: “Vào CĐ để được gì?”. Để giải quyết được vấn đề này, theo ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch CĐ Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông, cán bộ CĐ phải thường xuyên tiếp xúc với NLĐ, hiểu và giúp họ giải quyết những bức xúc, nhất là các vấn đề liên quan đến đời sống và việc làm. Làm tốt được điều này, CĐ sẽ giúp NLĐ có cái nhìn thiện cảm hơn về CĐ. Suy nghĩ ấy được ông Trung và ban chấp hành áp dụng vào thực tiễn khi chủ động thương lượng với ban giám đốc tăng lương cho công nhân (CN) vệ sinh kể từ ngày 1-7-2011. Sau thành công ấy, nhiều NLĐ trước đây do dự, nay đã tự nguyện xin vào CĐ.
Ông Nguyễn Chí Trung (đứng) chia sẻ kinh nghiệm với các cán bộ Công đoàn
Lời giải làm thế nào để thu hút NLĐ đến với tổ chức CĐ cũng được CĐ chợ Hòa Bình giải quyết tốt bằng sự tận tâm, hết mình với NLĐ. Ông Phùng Ngọc Giàu, Chủ tịch CĐ chợ Hòa Bình, kể: “Đơn vị có 48 người thì 20 trong số đó là bảo vệ. Từ trước tới nay, hợp đồng lao động đối với bảo vệ chỉ kéo dài một năm, hết hạn thì xét ký tiếp, do vậy nguy cơ mất việc rất cao. Nhiều bảo vệ “ấm ức” nhưng không dám kêu ca do sợ mất việc trong khi họ đều là trụ cột gia đình. Hiểu được lo lắng ấy, CĐ đã chủ động đề xuất ban quản lý chợ ký hợp đồng không xác định thời hạn cho lực lượng bảo vệ. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng, trước sự thuyết phục có lý, có tình của CĐ, ban giám đốc đã đồng ý. Những việc làm cụ thể như vậy đã giúp CĐ “ghi điểm” với NLĐ. Từ đó, việc vận động họ gia nhập tổ chức, phát động thi đua hết sức thuận lợi”.
Nâng nghiệp vụ, rèn bản lĩnh
Nhiều ý kiến thống nhất nhận định: Để nâng chất hoạt động CĐ, nhất thiết phải có cán bộ tâm huyết và giỏi nghiệp vụ. Trong thực tế, khi bỏ phiếu bầu người vào ban chấp hành CĐ, hầu hết NLĐ đều lấy tiêu chuẩn “có tâm” đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, cái “tâm” thôi chưa đủ mà để bảo vệ quyền lợi NLĐ, cán bộ CĐ phải không ngừng nâng cao trình độ để khẳng định chỗ đứng của mình trong doanh nghiệp. Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng, đó là kỹ năng. Khi thương lượng hoặc hòa giải tranh chấp, ngoài bản lĩnh, cán bộ CĐ phải khéo léo, có “duyên” ăn nói để thuyết phục được cả hai phía nhân nhượng, thỏa thuận được với nhau.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM: Phải làm tốt chức năng đại diện, bảo vệ Để CĐ thực sự là chỗ dựa cho NLĐ, CĐ cơ sở phải gắn chặt việc phát triển đoàn viên với nâng cao chất lượng hoạt động. Mỗi đơn vị đều có đặc thù khác nhau, đòi hỏi cán bộ CĐ phải năng động, sáng tạo, tổ chức các phong trào phù hợp, hấp dẫn, thu hút đoàn viên và CNVC-LĐ tham gia. Điều quan trọng nhất là CĐ cơ sở phải làm tốt chức năng đại diện, bảo vệ. Có được bảo vệ tốt thì NLĐ mới yên tâm, tin cậy CĐ. |
Bình luận (0)