Hai năm trở lại đây, hoạt động Công đoàn (CĐ) tại quận Gò Vấp, TP HCM có nhiều khởi sắc. Nhiều hoạt động trước đây vốn tổ chức ở cấp trên nay đã được đưa về cơ sở, có sức hút đối với đông đảo công nhân (CN) tham gia, như hội thi tay nghề, phổ biến pháp luật lồng ghép hoạt động vui chơi, giải trí… Chủ trương hướng về cơ sở đã giúp hoạt động CĐ ở quận Gò Vấp ngày càng được chủ doanh nghiệp (DN) và CN ủng hộ.
Đột phá để làm mới hình ảnh
Theo bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, hướng về cơ sở là chủ trương đã có từ lâu song việc triển khai không dễ dàng. Theo thông lệ, các mảng hoạt động chính trong năm sẽ được LĐLĐ quận triển khai đến từng cơ sở. Thế nhưng, cách làm này bộc lộ nhiều bất cập bởi hoạt động CĐ cơ sở vốn chịu nhiều áp lực. Mặt khác, nhân lực tại cơ sở mỏng, năng lực có hạn nên việc triển khai càng khó khăn gấp bội.
Từ trăn trở ấy, từ năm 2015, LĐLĐ quận Gò Vấp đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động với các CĐ cơ sở tại những DN có đông lao động và 6 CĐ cơ sở tại Cụm Công nghiệp Thạch Bình. Chương trình phối hợp gồm nhiều hoạt động trải dài trong năm, được tổ chức lần lượt tại từng đơn vị. Trọng tâm chính của chương trình gồm: tăng cường phổ biến, tư vấn pháp luật; tổ chức thi tay nghề; khám sức khỏe cho nữ CN; thiết kế các sân chơi; bán hàng bình ổn giá.
Công nhân Công ty TNHH Sedo Vina hào hứng tham gia hội thi “Tìm hiểu về kiến thức pháp luật lao động” do Công đoàn cơ sở tổ chức
Thực hiện bước đột phá mạnh mẽ này, LĐLĐ quận Gò Vấp chịu rất nhiều áp lực song bù lại, từ đó người lao động (NLĐ) tại các DN bắt đầu biết đến tổ chức CĐ nhiều hơn. Các sân chơi bổ ích cũng như hoạt động chăm lo thiết thực được thiết kế riêng cho CN tổ chức tại DN không chỉ tạo hứng khởi mà còn giúp NLĐ được tiếp cận tri thức mới, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc và lối hành xử hằng ngày.
Qua thực hiện chương trình, sự gắn kết giữa CĐ cơ sở với CĐ cấp trên cũng giúp năng lực tổ chức hoạt động và vận động CN của cơ sở được cải thiện đáng kể. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Chủ tịch CĐ Công ty May Cường Tài, nhận xét: “Cán bộ CĐ cơ sở phần lớn kiêm nhiệm, kinh nghiệm hoạt động chưa nhiều. Chương trình phối hợp hoạt động giúp đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở có thêm kinh nghiệm tổ chức triển khai các hoạt động phong trào”.
Khẳng định sự hiện diện
Để CĐ thực sự là chỗ dựa của CN, bên cạnh sự hỗ trợ của CĐ cấp trên thì mỗi cán bộ CĐ cơ sở phải thể hiện sự xông xáo, bản lĩnh, dám đặt lợi ích của CN lên trên lợi ích cá nhân. Đó cũng chính là điều mà mỗi cán bộ CĐ Công ty TNHH Quang Mậu (quận 6, TP HCM) luôn nhắc nhở nhau.
Theo bà Võ Thị Xuân, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Quang Mậu, để NLĐ biết đến sự hiện diện của CĐ, điều cốt lõi là phải biết hướng hoạt động sát sườn với đời sống, việc làm của NLĐ. Từ suy nghĩ ấy, đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng NLĐ, thiết kế các chương trình chăm lo phù hợp nhằm chia sẻ khó khăn với họ. Trên cơ sở ấy, CĐ cơ sở mạnh dạn đề xuất ban giám đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm tạo động lực làm việc cho NLĐ, chẳng hạn chỗ ở, xây dựng bếp ăn phục vụ CN (3 bữa/ngày)…
Không dừng lại ở đó, hằng ngày, CĐ còn tìm mọi cách truyền tải những thông tin, chính sách pháp luật mới đến CN, giúp họ hiểu và hành xử đúng luật. Có những vấn đề CN chưa hiểu thì cơ chế thông tin hai chiều do CĐ thiết lập sẽ giúp họ hóa giải gút mắt kịp thời.
Tại Công ty CP Saigon Food (KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP HCM), để hoạt động đi vào chiều sâu thực chất, đều đặn hằng năm, CĐ cơ sở tổ chức lấy ý kiến đánh giá của CN về chất lượng hoạt động CĐ, chế độ phúc lợi, đãi ngộ cũng như điều kiện làm việc, mức độ quan tâm của ban giám đốc với NLĐ... Cách làm có chủ đích ấy giúp CĐ cơ sở điều chỉnh nội dung hoạt động nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của NLĐ. Phía DN cũng có thể nhận diện những hạn chế trong điều hành quản lý lẫn chính sách chăm lo, từ đó phối hợp với CĐ cơ sở tìm giải pháp khắc phục, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất lẫn tinh thần cho NLĐ.
Ông NGUYỄN VĂN KHẢI, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM:
Phải tạo điểm nhấn
Để CĐ thực sự là chỗ dựa tin cậy của NLĐ, đội ngũ cán bộ CĐ các cấp cần đổi mới cách nghĩ, cách làm. Hướng mạnh hoạt động về cơ sở, coi trọng thực hiện mục tiêu hài hòa lợi ích DN và NLĐ, chắc chắn hoạt động CĐ sẽ tạo được điểm nhấn riêng, giúp DN thay đổi cách nhìn về tổ chức đại diện cho NLĐ; bản thân NLĐ cảm thấy hoạt động CĐ gần gũi, thiết thực hơn.
Thay đổi nếp nghĩ
“Xu thế hội nhập đòi hỏi tổ chức Công đoàn (CĐ) phải thay đổi phương thức hoạt động để thích nghi với tình hình mới, chủ động bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người lao động (NLĐ) và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững”. Đó là nhận định của ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - tại hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây.
Trong xu thế hội nhập sâu rộng của đất nước, đòi hỏi nêu trên của người đứng đầu tổ chức CĐ cả nước đối với đội ngũ cán bộ CĐ các cấp là điều dễ hiểu. Thực tế, việc Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đặt ra nhiều thử thách cho tổ chức CĐ Việt Nam. Đại diện là chức năng bẩm sinh của CĐ, do vậy, tự thân đội ngũ cán bộ CĐ phải hiểu rõ điều này nếu muốn là chỗ dựa tin cậy của NLĐ.
Thực tiễn sinh động của phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ tại TP HCM cho thấy tinh thần lăn xả, luôn biết cách làm mới hình ảnh của đội ngũ CĐ các cấp là nhân tố quyết định chất lượng hoạt động CĐ. Ở các DN như Công ty Việt Nam Samho, Công ty TNHH Triple, Công ty TNHH Pouyuen…, đội ngũ cán bộ CĐ luôn thể hiện khả năng dẫn dắt phong trào, biết cách lôi kéo NLĐ đến với tổ chức CĐ bằng tinh thần dám nghĩ dám làm vì NLĐ.
Không dừng lại ở việc làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ, họ cũng không quên trách nhiệm với DN. Giáo dục, vận động CN chấp hành kỷ luật, xây dựng tác phong công nghiệp và sẵn sàng sẻ chia khó khăn với DN, tinh thần đồng hành ấy ở họ giúp DN có một cách nhìn thấu đáo hơn về CĐ. Chủ trương hướng mạnh về cơ sở cũng giúp CĐ cấp trên kịp thời san sẻ khó khăn với cơ sở, giúp đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở tự tin hơn khi thực hiện vai trò đại diện, chăm lo.
Tự làm mới mình cả trong suy nghĩ lẫn hành động, làm được điều này sẽ giúp tổ chức CĐ tự tin hơn trong quá trình hội nhập. “NLĐ ngày càng đòi hỏi cao ở tổ chức CĐ. Do vậy, việc chủ động thay đổi nếp nghĩ và định hướng hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của NLĐ cũng như DN sẽ giúp chúng ta tạo dựng vị thế vững chắc” - ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.
An Khánh
Bình luận (0)