“Bây giờ sao tôi thấy công nhân (CN) nào cũng nhỏ nhỏ, gầy gầy, phờ phạc. Đa phần CN cưới CN nên dễ sinh ra một thế hệ suy dinh dưỡng...”. Một cán bộ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - Bộ Y tế nhận xét như trên bên hành lang hội thảo “Phòng chống ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể tại KCN, KCX” do cục này phối hợp với Sở Y tế tỉnh Bình Dương tổ chức tại Bình Dương ngày 13-8.
Suất ăn 7.000 đồng
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương, cho biết năm 2010-2011, chi cục đã khảo sát khoảng 50 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn và phát hiện ở một số DN, suất ăn của mỗi CN chỉ khoảng 7.000 đồng! Trong số 7.000 đồng này có đến 30% chi phí nhân công, nhiên liệu nấu nướng, tiền vận chuyển… “Như vậy CN ăn được gì trong suất ăn 7.000 đồng đó?” - phóng viên hỏi. “Chủ yếu là cơm thôi” - ông Đạt trả lời.
Dựa trên kết quả khảo sát mới đây về chất lượng suất ăn của CN tại các KCN, KCX của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng, cho biết khẩu phần của CN chỉ đáp ứng được 89,7% nhu cầu về năng lượng. Đặc biệt, khẩu phần của nữ CN bị thiếu năng lượng nhiều hơn nam. Riêng khẩu phần của nữ CN ở các ngành nghề lao động nhẹ chỉ đáp ứng được 77,7% nhu cầu về năng lượng.
Thức ăn kém chất lượng không chỉ có thể gây ngộ độc tức thời mà còn ảnh hưởng đến giống nòi.
Trong ảnh: Hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm ở Bình Dương phải cấp cứu trong thời gian qua
Không chỉ thiếu năng lượng, theo PGS-TS Lê Bạch Mai, khẩu phần ăn của CN còn rất mất cân đối, thiếu chất cho sự phát triển cơ bắp. Cụ thể, năng lượng sản sinh từ protein chỉ có 12%, 16% năng lượng từ lipit, còn lại 72% năng lượng là của các chất bột đường. “Năng lượng từ khẩu phần ăn không đủ nên CN phải sử dụng nguồn năng lượng dự trữ trong cơ thể. Người CN sẽ gầy đi, các lớp cơ của họ sẽ bị bào mỏng từng ngày” - PGS-TS Mai lo ngại.
PGS -TS Lê Bạch Mai cũng lo lắng về con cái của hàng triệu CN. Bà cho biết người mẹ CN thiếu dinh dưỡng rất dễ sinh ra những đứa con suy dinh dưỡng, cân nặng khi mới sinh dưới 2,5 kg và dễ mắc các chứng như thiếu máu và nhiều hệ lụy khác
Ra chợ gom thực phẩm rẻ, ôi thiu
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, nhận định giá thành của suất ăn công nghiệp thấp chắc chắn sẽ dẫn tới nguyên liệu chế biến thức ăn không bảo đảm chất lượng vì người chế biến buộc phải mua các nguyên liệu rất rẻ, thậm chí bị ôi thiu. Hậu quả dẫn đến là ngộ độc thực phẩm tập thể thường xuyên xảy ra trong các DN...
Để bảo vệ quyền lợi, bảo vệ sức khỏe cho CN, ông Long đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ LĐ-TB-XH cần có văn bản quy định giá trần suất ăn công nghiệp theo mỗi ngành, nghề trên cơ sở bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu cho CN. Nhiều đại biểu cho rằng không chỉ định khung về giá cả một suất ăn mà còn phải định khung về cả giá trị, thành phần dinh dưỡng của suất ăn đó để tránh chuyện DN nói giá suất ăn cao nhưng thực chất, trên đĩa cơm của CN chẳng có gì bổ dưỡng.
185 vụ ngộ độc thực phẩm/năm Theo thống kê của Cục ATVSTP, bình quân mỗi năm cả nước xảy ra 185 vụ ngộ độc thực phẩm với 6.147 người mắc, trong đó 46 người chết. Trong 5 năm gần đây, có 927 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.733 người mắc, trong đó 229 người chết. Tỉ lệ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể chiếm 12% - 20,6%. Cũng theo Cục ATVSTP, ngộ độc tập thể trong các KCN, KCX xảy ra nhiều nhất tại vùng Đông Nam Bộ, chiếm 66,7%. Ngoài ra, trong số 72 vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại các KCN, KCX ghi nhận được có 19,4% vụ do độc tố; 33,3% vụ do vi sinh vật; 11,1% vụ do hóa chất; 36,1% vụ chưa xác định được nguyên nhân. |
Bình luận (0)