Quê ở tỉnh Trà Vinh, cách TP HCM không xa, nhưng năm nay chị Ngô Mỹ Kha, công nhân Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân, TP HCM) quyết định ở lại đón Tết tại thành phố. Hiện xung quanh khu trọ của chị vẫn còn các ca nhiễm Covid-19 nên chị chấp nhận đón Tết xa nhà để giữ an toàn cho người thân ở quê.
Ấm lòng
Trong đợt dịch vừa qua, vợ chồng chị Kha và con trai đều trở thành F0. May mắn là sau ít ngày tự điều trị, cách ly tại nhà cả gia đình đã an toàn vượt qua dịch bệnh. Dù vậy, chị vẫn không chủ quan.
Cha mẹ chị Kha ở quê đã hơn 70 tuổi, lại có bệnh nền, cho nên dù rất nhớ nhà sau chuỗi ngày dài cách ly, chị vẫn cố kìm nén bởi với chị không có gì quan trọng bằng sức khỏe của cha mẹ, người thân. Lần đầu đón Tết xa nhà nhưng Kha vẫn thấy ấm lòng bởi công ty và Công đoàn có nhiều hoạt động vui tươi, ý nghĩa cho công nhân xa quê vui xuân như tổ chức Hội thi trang trí cành mai- cành đào, Tết sum vầy, tặng quà …
Công nhân Công ty TNHH Lạc Tỷ hào hứng tham gia Hội thi "Trang trí cành mai- cành đào"
Năm nay cũng là đã 4 năm chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân Công ty TNHH Chang Yang Việt Nam (quận Bình Tân), không về quê sum họp với gia đình dịp Tết do điều kiện kinh tế không cho phép, phần vì lo mang dịch về nhà. Đợt dịch vừa qua, cả gia đình chị cũng bị F0, còn công ty phải tạm ngừng hoạt động nhiều tháng để phòng chống dịch khiến thu nhập chị bị ảnh hưởng, thưởng tết cũng giảm so với mọi năm. Chồng chị là thợ hồ cũng lâm vào cảnh thất nghiệp, trong khi ở nhà trọ, nuôi con nhỏ (8 tuổi), cuộc sống thiếu trước hụt sau nên cuối năm chẳng dám có suy nghĩ về quê.
Công nhân xa quê tham gia "Tết sum vầy- Xuân bình an" do LĐLĐ TP HCM tổ chức tại Công ty TNHH Lạc Tỷ
Rời Hải Phòng vào TP HCM lập nghiệp nhiều năm, đến nay, thành phố này đã trở thành ngôi nhà thứ hai và việc đón Tết ở thành phố cũng trở quen thuộc với gia đình chị. Chị nói ngày Tết của công nhân xa quê như chị chủ yếu là quanh quẩn trong khu trọ, tranh thủ thời gian nghỉ Tết để nghỉ ngơi, dưỡng sức chuẩn bị cho năm làm việc tiếp theo. Dù vậy, để tạo không khí Tết, khó mấy chị cũng gói ghém để mua cho con bộ quần áo mới và chuẩn bị vài món ăn truyền thống tết cho chồng con. Năm nay, Tết của gia đình chị trở nên đặc biệt hơn khi được tham gia Chương trình "Tết sum vầy- Xuân bình an" tổ chức tại Công ty TNHH Lạc Tỷ và nhận quà Tết từ Liên đoàn lao động TP HCM trao tặng.
Công nhân xa quê phấn khởi khi được nhận quà Tết từ LĐLĐ TP HCM
Xuân mới, hy vọng mới
Tranh thủ lúc tham gia Chương trình "Tết sum vầy- Xuân bình an" do LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM tổ chức, anh Nguyễn Văn Long, công nhân Công ty TNHH Osung Vina, đưa vợ con đến vui chơi. Mấy tháng qua do dịch bệnh, 2 đứa con của anh (1 tuổi và 3 tuổi) chỉ quanh quẩn trong khu trọ, nên khi thấy các trò chơi công cộng tại Cụm thể thao Tân Thới Nhì (điểm tổ chức) bé lớn liền leo lên chiếc cầu tuột chơi thỏa thích.
Theo chân bố tham dự Tết sum vầy, con gái anh Nguyễn Văn Long được thỏa thích chơi cầu tuột
Vợ chồng Long quê ở Đắk Lắc và đã 3 năm gia đình anh không về quê đón Tết. Cả 2 vợ chồng là công nhân, nuôi con nhỏ, ở nhà trọ và phải ngừng việc nhiều tháng vì dịch. Khi trở lại làm việc thì các trường học chưa mở cửa do dịch, vợ chồng anh phải gửi 2 con nhờ hàng xóm giữ giúp nên phát sinh thêm chi phí, cuộc sống đã khó lại càng khó hơn. Vốn có kinh nghiệp nấu bếp, tranh thủ những ngày nghỉ Tết, Long xin đi phụ việc ở các quán ăn để kiếm thêm thu nhập. Với mức tiền công từ 300.000- 500.000 đồng/ngày, Long hy vọng sẽ có thêm khoản tích lũy để ra Tết đóng tiền học cho các con. "Tết tôi đi làm, vợ ở nhà chăm 2 con. Thế nên tranh thủ thời gian này đưa vợ con đi chơi trước cho có chút không khí Tết. Tết với gia đình tôi chỉ đơn giản vậy thôi, chỉ mong năm mới có nhiều sức khỏe làm việc để chăm lo chu đáo cho các con và có cuộc sống tương lai đủ đầy hơn"- Long hy vọng.
Chị Dương Thị Ngân (bìa trái) cùng con trai tham gia Tết sum vầy do LĐLĐ quận 12, TP HCM tổ chức
Chị Dương Thị Ngân, công nhân Công ty TNHH Smart Elegant Việt Nam (quận 12, TP HCM) cũng quyết định không về quê (Sóc Trăng) mà đón Tết tại TP HCM để bảo đảm an toàn cho 2 con và người thân. Vợ chồng chị đều là công nhân nên năm qua cũng khá lao đao khi dịch ập đến do phải ngừng việc, mất thu nhập. Nay tình hình dịch bệnh tại thành phố đã được kiểm soát, song do trở lại làm việc chưa lâu trong khi thu nhập eo hẹp, ở trọ và nuôi 2 con nhỏ (3 tuổi và 10 tuổi) nên cận Tết chị vẫn chưa sắm sửa gì cho các con. Do vậy, khi tham gia "Tết sum vầy- Xuân bình an" do LĐLĐ quận 12, TP HCM tổ chức vợ chồng chị đã dẫn con theo để chúng cảm nhận được chút không khí Tết. Chị Ngân tin tưởng chỉ cần hết dịch bệnh, có sức khỏe tốt, công việc ổn định, chắc chắn năm sau chị sẻ bù cho các con cái Tết ấm cúng hơn.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà cho công nhân ở lại TP HCM đón Tết
Theo Liên đoàn lao động TP HCM, Tết năm nay số công nhân ở lại thành phố tăng hơn năm trước gần 130.000 người (khoảng 30%). Một số đơn vị có số công nhân không về quê đông như các khu chế xuất, khu công nghiệp hơn 98.000 người, quận Bình Tân hơn 55.000 người, quận 12 hơn 35.000 người...
Để chăm lo công nhân ở lại, ngoài Chương trình "Tết sum vầy" họp mặt khoảng 10.000 gia đình công nhân, lao động không về quê do khó khăn, Liên đoàn lao động TP HCM còn tổ chức Chương trình "Gia đình công nhân, lao động vui Tết cùng thành phố" cho 10.000 gia đình đoàn viên tiêu biểu đón xuân, vui chơi tại Công viên Văn hóa Đầm Sen. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn TP HCM còn thực hiện các chuyến đi chúc Tết, thăm hỏi, tặng quà cho người lao động ở các khu lưu trú, khu nhà trọ có đông công nhân... Dự kiến, tổng kinh phí chăm lo cho người lao động trong dịp Tết của các cấp Công đoàn TP HCM là hơn 700 tỉ đồng.
Bình luận (0)