Sáng 29-4, tại Cung Văn hóa Lao động TP HCM, LĐLĐ TP HCM đã khai mạc "Tháng Công nhân" lần thứ 14 năm 2022. Với chủ đề "Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng" và phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022 và tuyên dương tình nguyện viên tiêu biểu tham gia phòng chống dịch Covid-19.
Đa dạng các hoạt động chăm lo
Phát biểu khai mạc, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, cho biết "Tháng Công nhân" lần thứ 14 năm 2022 đề ra mục tiêu rất rõ ràng, khẳng định vai trò nòng cốt, đi đầu của giai cấp công nhân trong một giai đoạn khó khăn, đầy thách thức.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM, tham quan các gian hàng tại lễ khai mạc Tháng Công nhân
"Tháng Công nhân" năm nay tại TP HCM được tổ chức với đa dạng các hoạt động ở tất cả các cấp Công đoàn từ hoạt động tôn vinh, tuyên dương, hội thi, hội thảo, triển lãm, tiếp xúc, đối thoại, chăm lo, thăm hỏi, động viên công nhân, người lao động, đến đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh việc thực hiện chủ đề do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, Công đoàn và công nhân thành phố cũng bày tỏ quyết tâm thực hiện chủ đề năm 2022 của TP HCM "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng, xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp".
LĐLĐ TP HCM ký kết Chương trình "Phúc lợi đoàn viên" cùng Hội Đông y thành phố
"Chúng tôi rất mong cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhanh chóng khôi phục và phát triển bền vững để tạo ra nhiều việc làm hơn, ổn định, qua đó, quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện chế độ lương, thưởng, bữa ăn ca, phúc lợi dành cho người lao động. Anh chị em công nhân - lao động hãy cùng chào mừng "Tháng Công nhân" với tâm thế phấn khởi, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, tạo ra nhiều hơn giá trị cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và xã hội, qua đó xây dựng cuộc sống tốt hơn, gia đình hạnh phúc" - ông Trần Đoàn Trung nhấn mạnh.
LĐLĐ TP HCM phát động "Tháng An toàn, vệ sinh lao động" năm 2022
Nhằm nâng cao chất lượng chăm lo phúc lợi, tăng cường chăm sóc sức khỏe, thể chất, hỗ trợ hồi phục, ổn định cuộc sống cho đoàn viên, người lao động sau khi nhiễm Covid-19, LĐLĐ thành phố ký kết chương trình phúc lợi đoàn viên, Chương trình "Vì sức khỏe người lao động" cùng Hội Đông y thành phố trong việc phối hợp chăm lo sức khỏe cho đoàn viên và người lao động.
Công nhân mua sắm tại các gian hàng giảm giá
Hưởng ứng chương trình "Phúc lợi dành cho đoàn viên" LĐLĐ thành phố, Tổ chức tài chính vi mô CEP đã phối hợp cùng các cấp Công đoàn triển khai Chương trình hỗ trợ công nhân phòng chống "tín dụng đen", vượt qua khó khăn do Covid-19. Dịp này, CEP đã ký biên bản ghi nhớ cùng Công đoàn cấp trên cơ sở nhằm tăng cường phối hợp trong chăm lo cho đoàn viên, công nhân.
Người lao động mua sắm tại "Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình"
Trong ngày khai mạc, LĐLĐ TP HCM cũng tổ chức chương trình "Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình" với 45 gian hàng bán hàng tiêu dùng thiết yếu với giá giảm từ 20% - 45% so với thị trường cho đoàn viên công đoàn - lao động diễn ra trong 3 ngày từ 29-4 đến hết 1-5.
Cùng thành phố vượt dịch Covid-19
Hưởng ứng chương trình "Mỗi đoàn viên Công đoàn là một tình nguyện viên, mỗi Công đoàn cơ sở một chương trình tình nguyện" do LĐLĐ thành phố phát động đã có hơn 18.000 cán bộ, đoàn viên - lao động tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện trong công tác phòng chống dịch Covid-19, góp phần cùng với thành phố đẩy lùi dịch bệnh, từng bước khôi phục sản xuất, trở lại trạng thái bình thường mới. Nhân "Tháng Công nhân" lần thứ 14, LĐLĐ thành phố đã tuyên dương 50 cán bộ, đoàn viên - lao động tiêu biểu trong phong trào tình nguyện chống dịch.
Bà Đào Thị Bích Nhuần, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Dệt lưới đánh cá Nam Yang, phát biểu tại lễ khai mạc
Nói về những hoạt động trong cao điểm dịch Covid-19, bà Đào Thị Bích Nhuần, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Dệt lưới đánh cá Nam Yang (LĐLĐ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết trước những tác động của đại dịch Covid-19, cuộc sống của mọi người gặp nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là công nhân. Và cũng chính thời điểm này khi LĐLĐ TP HCM và LĐLĐ TP Thủ Đức phát động thành lập các đội hình tình nguyện viên tham gia hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn, chị đã đăng ký tình nguyện tham gia với suy nghĩ được đóng góp một sức nhỏ của mình vào việc hỗ trợ, chăm lo cho công nhân, người lao động, được san sẻ cùng họ lúc khó khăn trong đại dịch.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng biểu trưng cho các tình nguyện viên tham gia chống dịch Covid-19
Chị Nhuần cùng với Đội tình nguyện viên trực tiếp đi xin từng hộp khẩu trang, lọ nước khử khuẩn, chai nước lọc, hộp sữa… để phát cho người dân tại các điểm; cùng vận chuyển đồ đạc, thức ăn trong các khu cách ly cho bệnh nhân, tham gia các chốt kiểm dịch, phong tỏa, nhu yếu phẩm, giúp đỡ giải cứu nông sản cho nông dân. Trực tiếp đi lấy mẫu xét nghiệm trên các địa bàn được phân công, thực hiện nhập liệu thông tin của người dân liên quan đến tầm soát dịch Covid-19.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, tặng biểu trưng cho các tình nguyện viên tham gia chống dịch Covid-19
Chị đã xung phong tình nguyện phân bổ nhu yếu phẩm cho người lao động khó khăn và lo cho 20 công nhân người đồng bào Ê-đê đã mắc kẹt ở lại khu nhà trọ. Thực hiện những chuyến xe "0 đồng", chuyến xe nghĩa tình đều đặn lăn bánh chở sự yêu thương, san sẻ tình cảm đến với những gia đình khó khăn. Những cây ATM gạo được đặt ở nhiều nơi hay những cây ATM oxy luôn túc trực sẵn sàng sẻ chia bất cứ lúc nào, hỗ trợ tiếp tế nhu yếu phẩm cho người lao động...
"Thời điểm dịch căng thẳng cũng là lúc mọi người đoàn kết, sẻ chia nhiều nhất. Những tình nguyện viên luôn sẵn sàng đi hết từ vùng dịch này đến tâm dịch khác. Vất vả, nguy hiểm, rủi ro cao là thế, nhưng chưa lúc nào bệnh dịch, khó khăn làm giảm đi nhiệt huyết trong chúng tôi. Dịch càng lan rộng và nguy hiểm, chúng tôi lại càng quyết tâm hơn, sáng tạo hơn. Tham gia vào công tác phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua chúng tôi thấy mình trưởng thành hơn, được sống như những đóa hoa thơm" - chị Nhuần nói.
Các tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch Covid-19 được LĐLĐ TP HCM tuyên dương
Hưởng ứng "Tháng Công nhân" năm 2022 do LĐLĐ thành phố phát động, chị Nhuần đại diện các anh chị tình nguyện viên, đoàn viên Công đoàn thành phố hưởng ứng tích cực các hoạt động như: tham gia lao động sản xuất, có những sáng kiến, mô hình hay góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao sản xuất, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, Công đoàn công ty tổ chức các hoạt động "Giờ thứ 9" giúp công nhân, người lao động có những giờ phút thư giãn sau quá trình lao động, cũng như các hoạt động thể dục thể thao, giao lưu văn nghệ...
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM lưu ý tổ chức Công đoàn TP HCM cần chú trọng tôn vinh những mô hình, tấm gương tiêu biểu trong lao động, sản xuất, trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng; quan tâm chăm lo những hoàn cảnh công nhân, lao động khó khăn trong cuộc sống, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, CNVC-LĐ. Đồng thời, kết hợp hài hòa, thiết thực với các hoạt động của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động; đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh vì mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Trong khuôn khổ khai mạc "Tháng Công nhân", LĐLĐ TP HCM đã tổ chức tọa đàm “Các giải pháp đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp” với sự tham gia của hơn 70 cán bộ Công đoàn, cán bộ phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tiến sĩ Trịnh Hồng Lân - Phân viện trưởng Phân viện khoa học an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường miền Nam nhận định số người mắc mới bệnh nghề nghiệp hàng năm vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, vấn đề quản lý, khám sức khỏe về bệnh nghề nghiệp cho người lao động vẫn đưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức.
Hầu hết các doanh nghiệp, các phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp chỉ khám các bệnh nằm trong danh mục 34 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm mà chưa khám các bệnh nghề nghiệp nằm ngoài danh mục. Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở khám phát hiện bệnh nghề nghiệp còn rất nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Hiện cả nước chỉ có hơn 60 Phòng khám bệnh nghề nghiệp có đủ pháp nhân khám bệnh, có tỉnh hiện nay chưa có Phòng khám bệnh nghề nghiệp...
Trao đổi tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu nhiều vấn đề khó khăn khi thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải tăng cường xây dựng và đầu tư cho hệ thống các cơ sở khám phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp cả về mặt số lượng và chất lượng; đào tạo và cần có cơ chế đãi ngộ phù hợp với lực lượng cán bộ, bác sỹ chuyên ngành bệnh nghề nghiệp có đủ năng lực chuyên môn cần thiết phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, nhà nước và doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ chi phí khám bệnh cho người lao động tại các doanh nghiệp đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra về hoạt động An toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp…
Bình luận (0)