Chúng tôi đến Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao - Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) khi trời đã sang trưa nhưng chị Nguyễn Thị Huệ, phó giám đốc trung tâm, vẫn tất bật với công việc. Người phụ nữ nhỏ nhắn, cởi mở, lúc nào cũng tràn ngập đam mê ấy chính là chủ của nhiều đề tài nghiên cứu, sáng kiến liên quan đến các mô hình sản xuất hoa lan, rau củ quả, đem lại lợi nhuận hàng tỉ đồng cho đơn vị. Chị là đại diện duy nhất của “phái đẹp” trong số 8 cá nhân xuất sắc được Hội đồng tuyển chọn Giải thưởng Tôn Đức Thắng đề nghị trao giải vào ngày 20-8 tới.
Thử thách rèn bản lĩnh
Nhìn vào thành quả chị Huệ đã đạt được, mấy ai hiểu được những vất vả, khó khăn mà chị đã nếm trải suốt 20 năm theo đuổi ước mơ. Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở tỉnh Quảng Ngãi, thay vì chọn ngành nghề dễ kiếm việc làm, chị quyết định thi vào Trường Đại học Tây Nguyên theo học kỹ thuật trồng trọt. Năm 1997, khi ra trường, chị đến với TP mang tên Bác và bắt đầu những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp tại Công ty Giống cây trồng TP. Chị kể thời điểm đó, cơ hội việc làm dành cho sinh viên chuyên ngành trồng trọt khan hiếm nên khi được tuyển dụng, chị không ngần ngại gật đầu.
Thời gian đầu làm việc, chị Huệ được phân công tham gia sản xuất cà tím Nhật tại Củ Chi. Môi trường làm việc khắc nghiệt, ít người lui tới, chị phải sinh hoạt trong căn chòi công ty dựng tạm ngay trên khu đất canh tác. Những tưởng sự thiếu thốn về vật chất sẽ khiến chị chùn chân nhưng ngược lại, không có điều kiện giải trí nên chị có nhiều thời gian quan sát sự phát triển của cây trồng, nghiên cứu quy trình trồng trọt, từ đó có các cải tiến khâu xử lý hạt giống.
“Lúc đầu, công việc này chỉ dành cho nam giới nên nhiều người cứ đinh ninh tôi sẽ sớm bỏ cuộc. Thế nhưng, sau mấy tháng, thấy tôi vẫn kiên trì bám trụ ở nơi heo hút này, nhiều người tặc lưỡi nói con nhỏ này lì thật. Điều ấy khiến tôi rất vui vì mình được công nhận” - chị cười.
Hơn chục năm gắn bó với công ty, chị Huệ gần như sinh sống ở các trại cây giống khi thì ở Củ Chi, lúc lại ở Lâm Đồng... Dù phải rày đây mai đó, khó khăn, cực khổ trăm bề nhưng chị chưa bao giờ hối hận với sự lựa chọn của mình. Điều may mắn nhất đối với chị chính là gặp được “nửa kia” cũng đam mê trồng trọt, vì vậy mà vợ chồng chị luôn có sự chia sẻ, cảm thông cho nhau. Năm 2009, chị chuyển sang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao. Với vốn kinh nghiệm phong phú trước đó cộng với sự sáng tạo, nhiệt tình, chỉ trong vài năm, từ một nhân viên, hiện chị Huệ đã trở thành phó giám đốc trung tâm.
Sáng tạo không ngừng
Tố chất đáng nể nhất ở chị Huệ chính là tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ. Bảy năm gắn bó với trung tâm, chị đã làm chủ trên 10 đề tài, sáng kiến, làm lợi hàng tỉ đồng cho đơn vị. Trong đó, sáng kiến cải tiến kỹ thuật phải kể đến là chăm sóc lan hậu cấy mô.
Trước đây, sau quá trình cấy mô, cây con được đưa ra vườn để chăm sóc. Tuy nhiên, do điều kiện đột ngột thay đổi, không thích ứng kịp nên tỉ lệ lan cấy mô sống trong điều kiện thường không cao. Được giao phụ trách mảng trồng lan nên chị Huệ rất trăn trở trước hiện tượng này, Vì vậy, chị đã bỏ công quan sát và tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời tính toán lại điều kiện nuôi dưỡng trong vườn cây (nhiệt độ, độ ẩm, hướng ánh sáng, liều lượng tưới...) sao cho tương đồng với điều kiện trong phòng thí nghiệm. Sự chỉn chu ấy đã giúp chị xây dựng thành công quy trình kỹ thuật chăm sóc lan hậu cấy mô. Sáng kiến này được thực hiện chỉ sau thời gian ngắn chị chuyển về làm việc tại trung tâm nên đã tạo được niềm tin với lãnh đạo và đồng nghiệp.
Một sáng kiến có ý nghĩa khác mà chị Huệ tâm đắc nhất là xây dựng quy trình kỹ thuật trồng cà chua bi năm 2015. Chị cho biết giống cà chua bi chỉ thích hợp với khí hậu ôn đới nên khi trồng ở vùng nhiệt đới sẽ chết. Bà con nông dân Củ Chi từng trồng thử và tỉ lệ sống là 0%. Quyết tâm đảo ngược tình thế, từ năm 2013, chị Huệ lao vào nghiên cứu và thử nghiệm. Chị liên tục thay đổi điều kiện trồng trên đất và trên giá để so sánh kết quả. Ròng rã 2 năm trời, chị mới thành công trong việc thử nghiệm trồng cà chua bi trên giá với tỉ lệ sống hơn 90%. Hiện quy trình kỹ thuật này đã được chuyển giao cho các đơn vị.
Đạt nhiều thành tựu đáng kể nhưng chị Huệ rất khiêm tốn: “Sự sáng tạo đến một cách tự nhiên nhờ sự quan sát tỉ mỉ và tận tâm. Nhiều năm làm trong ngành trồng trọt, điều tôi vẫn băn khoăn chính là làm sao để tạo ra được những giống cây trồng mang thương hiệu Việt Nam. Đó cũng là hướng đi của trung tâm hiện nay”.
Tâm huyết với thợ trẻ
Không chỉ sáng tạo, chị Huệ còn rất tích cực truyền nghề cho bà con nông dân, cán bộ nông nghiệp ở các tỉnh, nhất là lớp thợ trẻ. Chị Mai Thị Một, một công nhân làm việc tại trung tâm, nhận xét: “Điều khiến tôi nể trọng nhất ở chị Huệ là niềm đam mê với nghề. Dù bây giờ đã là cán bộ quản lý nhưng chị vẫn dành nhiều thời gian, tâm huyết cho công việc trồng trọt. Đặc biệt với thợ trẻ thiếu kinh nghiệm, chị rất nhiệt tình hướng dẫn, chỉ cho họ điểm yếu để khắc phục, từ đó nâng cao tay nghề”.
Giữ lửa đam mê
Hội đồng tuyển chọn Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 16 năm 2016 vừa đề xuất trao giải thưởng cho 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trao lao động giỏi - lao động sáng tạo. Với đội ngũ CNVC-LĐ ở một TP năng động, sáng tạo như TP HCM, được nhận giải thưởng danh giá này là niềm vinh dự, tự hào.
Trong các phong trào thi đua do tổ chức Công đoàn phát động, Giải thưởng Tôn Đức Thắng chính là đỉnh cao của phong trào lao động giỏi - lao động sáng tạo. Bước sang tuổi 16, giải thưởng này tiếp tục tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh những điển hình sáng tạo trong đội ngũ CNVC-LĐ.
Ngần ấy năm hình thành và phát triển, các kỹ sư, công nhân được chọn mặt gửi vàng thực sự là những tấm gương về sự tận tụy, lòng yêu nghề, đam mê sáng tạo không ngừng, nhất là luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm với lớp thợ đàn em. Với đam mê sáng tạo, không bao giờ đầu hàng khó khăn, họ không chỉ là đầu tàu trong phong trào thi đua của đơn vị mà còn là tấm gương sáng cho lớp thợ đàn em noi theo. Chính những tố chất nổi trội ấy luôn giúp họ đạt đến sự thăng hoa trong nghề nghiệp, là hình mẫu đại diện cho một lớp công nhân TP năng động, sáng tạo trong thời kỳ hội nhập.
Điều đáng trân trọng hơn là sau khi thành danh, họ vẫn nỗ lực phấn đấu không ngừng để trở thành trụ cột quản lý tại đơn vị, là chỗ dựa tinh thần lẫn chuyên môn cho thợ trẻ. Kỹ sư Phan Huy Cường, người từng đạt giải thưởng này năm 2007, bộc bạch: “Đạt giải thưởng là vinh dự to lớn của người thợ song đó cũng là trách nhiệm. Dù ở cương vị gì và làm ở đơn vị nào, tôi luôn tâm nguyện sống hết mình với nghề, với lớp thợ đàn em”.
Những cá nhân xuất sắc khác từng nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng như các ông Trần Kim Hưng, Đặng Quế Hùng, Đinh Tuấn Kiệt… cũng giữ được ngọn lửa đam mê sáng tạo, nhất tinh thần dấn thân. Với họ, dám nghĩ, dám làm vì niềm đam mê chính là lẽ sống của người thợ.
Theo ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, óc sáng tạo, tinh thần lăn xả ở các gương điển hình đã giúp người sử dụng lao động nhận thức đầy đủ ý nghĩa tích cực mà phong trào thi đua yêu nước mang lại, từ đó xác định rõ hơn trách nhiệm trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động nâng cao trình độ học vấn, tay nghề. Đó cũng là nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập.
Khánh An
Bình luận (0)