Đợt dịch Covid-19 thứ 4 đang lây lan tại các KCN ở một số tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp (DN), đời sống của người lao động (NLĐ). Những tháng đầu năm 2021, số người hưởng mới BHXH một lần tiếp tục tăng lên.
Nguy cơ thu hẹp đối tượng tham gia BHXH, BHYT
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết 6 tháng đầu năm 2021 là giai đoạn khó khăn đối với toàn ngành BHXH khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đạt 45,11% số thu so với kế hoạch Chính phủ giao. Tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 21.194 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 5% so với số phải thu. Số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN tuy tăng hơn cùng kỳ 2020 nhưng đều giảm so với thời điểm cuối năm 2020; riêng BHXH tự nguyện đã tăng 34.419 người so với cuối năm 2020 (tăng 3,02%).
Đến nay, số người tham gia BHXH 16.173.780 (đạt 32,49% lực lượng lao động), trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc là gần 15 triệu người (giảm trên 74.200 người so với cuối năm 2020). Số người BHTN là trên 13,2 triệu người (đạt 26,64% lực lượng lao động), giảm trên 69.800 người so với cuối năm 2020. Cùng đó, số người tham gia BHYT là trên 87,4 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ 89,63% dân số nhưng cũng giảm trên 540.000 người. BHXH Việt Nam cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN đa số đều giảm so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, riêng số người hưởng mới BHXH một lần tiếp tục tăng lên, với con số 561.570 trường hợp, tăng 59.431 so với cùng kỳ 2020 (tăng 11,84%).
Khám chữa bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Phân tích nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Thu, sổ, thẻ - BHXH Việt Nam, cho rằng đợt dịch lần thứ 4 với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, việc làm và đời sống của NLĐ cũng hết sức bấp bênh. Bên cạnh đó, việc xử lý đối với đơn vị, DN phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Cũng theo ông Hào, với chính sách mới liên quan đến vùng đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 sẽ khiến tỉ lệ tham gia BHYT giảm đi. Dự kiến, tổng số người được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT sẽ bị giảm đi là trên 4 triệu người, trong đó sau khi chuyển sang các nhóm đối tượng khác cũng được ngân sách hỗ trợ (hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số...), vẫn còn khoảng trên 2,4 triệu người sẽ cần được vận động thực hiện tham gia BHYT. "Nếu BHXH các địa phương không tích cực và có giải pháp tuyên truyền tốt, sẽ rất khó để vận động số đối tượng này tiếp tục tham gia BHYT" - ông Hào nói.
Xử lý hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHXH
Lãnh đạo BHXH cho biết từ nay đến cuối năm, ngành BHXH Việt Nam sẽ cần phát triển thêm hơn 1,52 triệu người tham gia BHXH, hơn 973.000 người tham gia BHTN và trên 2,448 triệu người tham gia BHYT mới đạt chỉ tiêu đặt ra trong năm 2021. Do đó, cần đổi mới công tác tuyên truyền vận động phù hợp với điều kiện dịch bệnh hiện nay.
BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc rà soát, xác định các nhóm đối tượng chưa tham gia BHXH theo dữ liệu các DN kê khai với cơ quan thuế. Với những địa phương đang có dịch, khó khăn làm việc trực tiếp với DN, có thể tạm thời thông báo đề nghị đơn vị sử dụng lao động tham gia BHXH cho các đối tượng còn thiếu, sẽ hậu kiểm khi địa phương trở lại tình trạng bình thường. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, có khoảng 163.000 đơn vị, DN chưa tham gia BHXH, BHYT; 241.000 đơn vị, DN chưa tham gia đầy đủ BHXH, BHYT cho NLĐ và tập trung chủ yếu ở khối DN ngoài quốc doanh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với số lao động, cá nhân có thu nhập cần phải rà soát khoảng trên 3 triệu người. Cơ quan BHXH đang tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan điều tra, rà soát để xác định số DN, số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nêu trên. Ước tính có khoảng từ 500.000 đến 800.000 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc.
Để bảo đảm quyền lợi NLĐ, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN để đôn đốc, yêu cầu đơn vị, DN tham gia cho NLĐ. Đồng thời, kết nối thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành liên quan để quản lý được đơn vị, DN đang hoạt động, thành lập mới; NLĐ đang làm việc, thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, trong đó tập trung thanh tra các đơn vị, DN đang cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH; chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.
BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để quản lý người tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHTN cơ sở; rà soát các trường hợp hưởng trợ cấp BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHTN.
Bình luận (0)