Nhiều giám đốc cho biết, những dịp họp mặt, giao lưu như thế này càng làm cho DN và CĐ hiểu biết nhau hơn, thúc đẩy quan hệ lao động ngày càng tốt hơn.
Đất lành chim đậu
So với 22 quận, huyện của TPHCM, Tân Bình là một quận đang có nhiều... cái nhất. Đó là đông dân nhất (trên 700.000 người), dân nhập cư nhiều nhất (37% dân số toàn quận), nguồn lao động đông đảo nhất: trên 100.000 người, trong đó có 60.000 lao động công nghiệp. Toàn quận cũng có 28.000 DN và cơ sở sản xuất, trong đó có trên 3.500 DN dân doanh. Từ 10 năm qua, Tân Bình là quận dẫn đầu TPHCM về tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (bình quân mỗi năm trên 3.000 tỉ đồng, năm 2002 chỉ tiêu dự kiến 3.800 tỉ đồng).
Có được tiềm năng và thực lực đó, theo bà Trần Kim Cúc, Bí thư Quận ủy Tân Bình, là nhờ nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân, các thành phần kinh tế trên địa bàn quận đóng góp nhiều công sức. Quận phát huy thế mạnh sẵn có (quỹ đất) xác định cơ cấu phát triển là: Công nghiệp, thương mại và dịch vụ, thu hút nhân lực, vật lực, thu hút đầu tư (khu công nghiệp quận Tân Bình chuẩn bị tiếp nhận DN thứ 100 vào đầu tư). Bà Cúc nói: Đất lành chim đậu, DN vào đầu tư đều được các cơ quan, ban ngành của quận tạo điều kiện thuận tiện và sẵn sàng tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn.
Chăm lo công nhân, hỗ trợ Công đoàn
Ông Đỗ Long, Giám đốc Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s), cho biết đây là đất ăn nên làm ra. Từ lúc đầu khó khăn, công ty làm ăn ngày càng khấm khá, số lao động từ 250 nay lên đến 2.000 người. Hơn 70% sản lượng hàng của Bita’s là xuất khẩu và lợi nhuận cao nhờ hàng xuất theo phương thức FOB. Ông Nguyễn Thành Bích, Giám đốc Công ty May Thêu Hiển Đạt, nói nguồn lao động giỏi ngày càng khó kiếm, giữa các DN đang có thêm sự cạnh tranh về lao động, do đó phải chăm sóc người lao động bằng những việc làm cụ thể mới giữ họ gắn bó với DN. Với Hiển Đạt, đó không chỉ là đầu tư cải thiện môi trường làm việc, nâng cao chất lượng lao động theo các tiêu chuẩn ISO hay SA 8000 - mà còn là làm nhà tập thể cho công nhân (CN) ngoại tỉnh, pháp luật lao động được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là các chính sách ưu đãi lao động nữ. Bà Nguyễn Thị Hồng Phiệt, Giám đốc Công ty Hữu Nghị II, nói công ty muốn ổn định, phát triển phải có đội ngũ CN vừa “hồng” vừa “chuyên”. Làm nghề phải giỏi, sản phẩm luôn có chất lượng cao hơn; trong sinh hoạt, lao động phải có văn hóa.
Ông Lê Nhật Quang, Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Bình, cho biết, những DN ăn nên làm ra đều là những DN quan tâm đời sống- việc làm của CN, hỗ trợ, tạo điều kiện cho CĐ hoạt động và từ hoạt động của CĐ, nỗ lực của tập thể lao động, DN ngày càng phát triển.
Gia tăng năng lực để cạnh tranh, hội nhập
Theo ông Võ Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, tiềm năng và thực lực như vậy, song các DN trên địa bàn quận cũng đứng trước nhiều thử thách khi cạnh tranh hội nhập ngày càng gay gắt. Phạm vi buổi gặp gỡ chưa thể nói hết những băn khoăn hay đưa ra giải pháp. Vấn đề thời sự mà các DN đang đối diện, theo ông Luận, là di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Biết là “của đau con xót” khi có DN đầu tư hàng tỉ đồng nay phải di dời, song chủ trương phải chấp hành và dù thiệt trước mắt song lợi lâu dài. Mặt khác, UBND TPHCM cũng hỗ trợ kinh phí cho DN di dời nên ông Luận hy vọng tiến độ nhanh hơn, toàn quận đã có 32/60 DN thuộc diện đã di dời, chậm nhất đến năm 2004 hoàn tất việc di dời.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM Nguyễn Huy Cận nói: Qua giao lưu, trao đổi, tôi hiểu được tâm trạng của các giám đốc và cũng là tâm trạng của CN, của CĐ. Tổ chức CĐ TPHCM sẵn sàng chia sẻ, phối hợp nhiệm vụ chung, đó là phát triển DN, đảm bảo việc làm đời sống, quyền lợi người lao động.
Bình luận (0)