xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thầy giáo mê ong mật

Bài và ảnh: THANH VÂN

Từ những thân dừa bỏ đi, một thầy giáo ở xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang, đã tận dụng để làm tổ cho ong vào sinh sống và lấy mật, dễ dàng kiếm bạc triệu mỗi tháng

“Nghề này tuy thấy dễ nhưng lại khó làm nếu mình không hiểu được đặc tính hoang dã của loài ong. Khi đã nắm vững được các kiến thức cơ bản thì việc kiếm bạc triệu mỗi tháng từ thu gom mật ong là chuyện bình thường” - anh Hồ Văn Tạo (SN 1976, giáo viên Trường THCS Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang) khoe với chúng tôi.

Kiên trì, sáng tạo

Anh Tạo cho biết lúc nhỏ, anh thường đi theo người dân trong xóm bắt ong chúa ở các cột điện để thư giãn chứ không hề nghĩ đến việc làm chủ những đàn ong hoang dã. Thú vui ấy theo Tạo đến tận những năm anh lên học tại Khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ.

Cùng với bạn bè, anh Tạo hay bắt ong chúa về nuôi thử nghiệm trong chiếc hộp giấy carton. Thật bất ngờ, chỉ 1 tuần sau đó, đàn ong cho đầy mật ngọt như cách trả ơn người chăm sóc. Ước mơ nuôi ong lấy mật của anh cũng lớn dần theo năm tháng.

Thầy giáo Hồ Văn Tạo thu hoạch mật từ tổ ong do chính tay anh tự thiết kế
Thầy giáo Hồ Văn Tạo thu hoạch mật từ tổ ong do chính tay anh tự thiết kế

Thế nhưng, từ ước mơ đến hiện thực có khoảng cách rất xa. Tốt nghiệp ra trường, Tạo tiếp tục tìm bắt ong chúa về nhà nuôi thử nhưng liên tiếp gặp thất bại. Khi thì ong chúa chết chỉ sau vài ngày về chỗ ở mới, lúc lại không dẫn dụ được đàn về ở chung. Không nản chí, ngoài giờ lên lớp, anh Tạo tìm hiểu tập tính sinh hoạt của loài ong để có cách nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, nhất là khả năng kinh tế của gia đình. Công sức của anh bỏ ra cuối cùng cũng đã được đền đáp một cách xứng đáng.

Hiểu được thói quen làm tổ trong những thân cây mục của loài ong mật, anh Tạo tìm mua những thân cây dừa mang về nhà. Sau đó, anh cưa ra thành từng đoạn khoảng 6-7 tấc để làm tổ dẫn dụ ong về. Bước kế tiếp, anh ủ thân dừa trong bóng râm và phun nước liên tục lên trên khoảng 3-4 tháng. Khi thân dừa có dấu hiệu mục từ trong ra ngoài, anh Tạo tiến hành đục bọng. Bước cuối cùng là dùng các thanh tre gác lên 1 đầu đoạn dừa để làm kèo cho ong vào xây tổ và làm nơi sinh sản. Cách tạo chỗ ở cho ong độc đáo này của anh đã cho kết quả mỹ mãn.

“Tạo ra bọng dừa gần gũi với môi trường tự nhiên sẽ dẫn dụ đàn ong vào ở và sinh sản. Chỉ với 30 bọng dừa mà mỗi tháng, tôi thu hoạch không dưới 10 lít mật ong, giá bán ra 800.000 đồng/lít. Chi phí để làm ra tổ ong kiểu này lại chẳng bao nhiêu” - anh Tạo phấn khích.

Sống khỏe nhờ nghề tay trái

Trò chuyện với anh Tạo, chúng tôi cảm nhận được niềm say mê của người thầy giáo trẻ dành cho cái nghề tay trái nhưng mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình anh nhiều năm nay.

Theo anh Tạo, việc tìm tổ ong để bắt được ong chúa và đưa nó về tổ mới (nhân tạo) không hề đơn giản. Tỉ lệ thành công cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 50%. “Thông thường, sau khi phát hiện tổ ong ở trụ điện, người ta dùng nhang xông khói để ong chúa bị ngạt chui ra bên ngoài. Khi ong chúa vừa chui ra khỏi miệng hang (bọng trụ điện) thì người ta phải nhanh tay tóm gọn và buộc nó bằng cọng dây chỉ có một đầu nối vào chiếc nón lá chuyên dụng để dẫn dụ đàn ong bay theo. Nếu làm không đúng cách, người ta phải chịu cảnh về tay không do ong chúa chết trong tổ hoặc không tìm được lối thoát ra ngoài” - anh tiết lộ.

Theo anh Tạo, việc giữ được đàn ong trong tổ mới cũng rất nhiêu khê. Có khi cả đàn ong bay đi mất dạng chỉ sau vài ngày được dẫn dụ về chỗ ở mới. Biểu hiện rõ nhất là đàn ong lười nhác, không chịu hút mật hoa. Ngược lại, nếu thấy đàn ong làm việc cần mẫn cũng như đi về tổ đúng giờ giấc thì xem như ong đã cho mật nhiều và chỗ ở mới là nơi ở lý tưởng của chúng.

Anh Tạo cho biết có 2 nguyên nhân dẫn đến việc ong bỏ đi: Do môi trường sống của chúng không phù hợp hoặc xuất hiện sâu trong bánh tổ (tàn ong). Trong trường hợp này, vài ngày sau đó, đàn ong sẽ bay theo hình xoắn ốc mà đi. “Cách duy nhất để giữ ong lại là dùng cây sào có buộc bọc nhựa vào đầu rồi huơ lên không trung để cản lối đi của chúng. Khi đó, sẽ có lượng lớn ong đáp xuống tạm trú ở các nhánh cây xung quanh. Lúc này, mình chỉ cần đưa ong chúa vào chiếc nón để cả đàn bay theo rồi mang về cho vào nơi ở mới” - anh nêu  kinh nghiệm.

Dày công nghiên cứu, chăm sóc đàn ong, mỗi tháng anh Tạo thu về 8 triệu đồng, sống khỏe với nghề tay trái này. Nhiều năm nay, căn nhà của anh Tạo cũng trở thành điểm tham quan thú vị của các đoàn khách từ TP HCM khi về thăm thú miền Tây. 

“Nuôi ong không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải chịu khó. Nghề chính của tôi  là dạy học nhưng thực tế thu nhập chính có được là từ việc nuôi ong lấy mật, coi như lấy nghề nuôi nghề” - anh Tạo bộc bạch.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo