icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Thay máu” lao động, coi thường pháp luật

Qua mặt Ban Quản lý KCN và CX Đà Nẵng . Viện cớ sản xuất khó khăn, sa thải công nhân mà vẫn tuyển mới 700 lao động. Báo Người Lao Động ngày 23-7 đưa tin Công ty Việt Nam Knitwear Đà Nẵng ngừng hoạt động - gần 1.000 công nhân (CN) mất việc làm. Từ đó đến nay, những diễn biến tại công ty càng cho thấy rõ hiện tượng vi phạm pháp luật lao động.

Ra chiêu “ngưng hoạt động” để trả đũa CN

Công ty Việt Nam Knitwear (100% vốn Hồng Kông), chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng), đã đi vào hoạt động từ tháng 10-2002 và có nhu cầu tuyển dụng gần 10.000 lao động. Đến tháng 7-2003, công ty này đã tuyển dụng được hơn 1.300 CN vào học việc tại xưởng 1. Trong đó, gần 200 CN được ký hợp đồng chính thức 1 năm (từ ngày 30-9-2002 đến ngày 30-10-2003), hơn 1.000 CN được ký hợp đồng lao động thử việc 6 tháng (đây là hành vi sai luật vì thời gian thử việc với nghề may - theo luật định không quá 60 ngày), số còn lại là hợp đồng học việc. Thế nhưng đến ngày 17-7, công ty ra thông báo ngừng hoạt động kể từ ngày 22-7 và chấm dứt hợp đồng với người lao động với lý do “công nhân bất hợp tác” và “không có quota”. Cái gọi là “bất hợp tác” là do công ty vi phạm pháp luật lao động và CN hai lần đình công. Để trả đũa CN, công ty quyết định tạm ngừng hoạt động tại xưởng 1 từ ngày 22-7-2003 và đơn phương chấm dứt hợp đồng với hơn 1.300 lao động.

Anh Nguyễn Tấn Phương, CN tổ tổng hợp, cho biết: “Tôi được ký hợp đồng 1 năm và đến tháng 4-2004 mới hết hạn, nhưng chúng tôi không được giữ một bản hợp đồng nào. Công ty có hứa là sau 6 tháng sẽ tăng lương từ 490.000 đồng/tháng lên 520.000 đồng/tháng, nhưng không thực hiện lời hứa mà còn chấm dứt hợp đồng”.

Đưa Ban Quản lý KCN và CX ra làm bình phong

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt- Giám đốc hành chính Công ty Knitwear -  cho biết khi thông báo ngừng hoạt động và chấm dứt hợp đồng với người lao động, công ty đã có gửi công văn đến Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất (KCN và CX) để xin ý kiến và nhận được sự đồng ý của ban này. Nhưng khi tiếp xúc với phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 23-7, ông Trần Văn Đông, Phó Trưởng Ban Thường trực các KCN và CX Đà Nẵng, cho biết Ban Quản lý đã có công văn trả lời số 235, ngày 18-7, với nội dung nhất trí với yêu cầu của công ty là tạm thời chấp nhận mức lương công ty ký HĐLĐ với người lao động ở mức 490.000 đồng/tháng, yêu cầu công ty thông báo cho người lao động biết tình hình để tiếp tục hợp tác làm việc. Công văn của Ban Quản lý KCN và CX là vậy, song công ty lại ra thông báo “ngưng hoạt động” trước đó một ngày và bà Nguyệt nói đã xin ý kiến, đã được chấp thuận là sự chống chế cho hành vi phạm luật nói trên, đem Ban Quản lý KCN và CX ra làm bình phong, dù Ban Quản lý KCN và CX nhìn nhận sự việc theo hướng khác.

Những CN đang lãnh tiền sau khi chấm dứt hợp đồng cho biết họ chỉ lãnh được số tiền ngày công đi làm, còn không có chế độ nào khác, không có tiền trợ cấp thôi việc, không được bồi thường thiệt hại trong thời gian chờ tìm việc mới... Chị Th. cho biết: “Tôi ký hợp đồng với mức lương 700.000 đồng/tháng, khi chấm dứt hợp đồng tôi chỉ nhận được tiền ngày công đi làm 15 ngày của tháng 7 là 350.000 đồng, còn không có chế độ nào khác”.

Sa thải CN, né tránh trả lương và trợ cấp

Hơn 1.000 lao động tại công ty này đều tỏ ra hoang mang về tương lai của mình không biết rồi sẽ về đâu.  Họ cho biết, sau khi ra thông báo chấm dứt hợp đồng, công ty hứa sẽ trả số tiền công mà CN đã làm  trong tháng 7, người nào có nguyện vọng làm việc lại với công ty thì phải viết giấy cam kết “không có hành động gây rối, mất trật tự tại công ty” để công ty xem xét và giải quyết.

Trong khi chưa giải quyết hết nguyện vọng trở lại làm việc của gần 1.000 CN tại xưởng 1, công ty  lại tiếp tục rao tuyển 700 CN học việc mới cho xưởng 2 (với mức lương ban đầu là 350.000 đồng/tháng), sẽ đi vào hoạt động ngày 1-8-2003. Nếu không thể giải quyết được số lượng CN có nhu cầu trở lại làm việc, không có đơn đặt hàng thì tại sao công ty lại tiếp tục tuyển lao động mới, mà thả trôi số CN đã gắn bó với công ty hơn 6 tháng trời? Có thể nói ngay rằng, với việc tuyển người học việc mới, công ty sẽ giảm được chi phí  trả lương là 350.000 đồng thay vì 490.000 đồng/tháng. Đây là thủ thuật né tránh trợ cấp cho người lao động! Mặt khác, việc buộc CN làm cam kết “không gây rối” có cần thiết hay không, nếu không nói là áp đặt, dọa dẫm người lao động!

Nhóm PV miền Trung

NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM NÓI

Bà Đàm Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn các KCN và CX Đà Nẵng:

Ngày 28-7 sẽ tìm hiểu thêm vụ việc

Công ty này chưa thành lập tổ chức Công đoàn nên việc can thiệp để giải quyết cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, vào ngày 28-7 tới, Công đoàn các KCN và CX sẽ có buổi làm việc với công ty và công nhân để tìm hiểu thêm vụ việc.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng:

Phải kiểm tra nếu sai phạm sẽ xử lý

Chúng tôi đã có công văn số 736, ký ngày 24-7 gửi Công ty Việt Nam Knitwear đề nghị công ty thực hiện kết luận của Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng ký ngày 3-6. Còn về tiền lương của người lao động thì do sự thỏa thuận trong hợp đồng lao động của hai bên, tuy nhiên, không thấp hơn mức tối thiểu 487.000 đồng/tháng do Nhà nước quy định.  Việc công ty ngừng hoạt động và chấm dứt hợp đồng với gần 1.300 lao động là vấn đề cần phải điều tra. Nếu công ty sai phạm, cần phải xử lý để đem lại quyền lợi cho người lao động.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo