Phải kêu réo nhắc nhở, hẹn hò như vậy, bởi vì tất cả đã nghỉ hưu rồi. Dù kẻ trước người sau một-hai năm, nhưng hiện giờ thì không còn nhìn thấy mặt nhau ở chỗ làm mỗi ngày đến phát nhàm, phát chán lên được nữa.
Hăng hái gặp nhau lắm mà cũng có mấy người không tới với đủ thứ lý do. Mắc giữ cháu; kẹt giờ làm việc, giờ dạy; bận rủ rê, thuyết phục khách hàng đặng bán cho được cái bảo hiểm... Thấy người này, người kia còn lụp cụp xách giỏ đi làm, ai nấy le lưỡi bái phục: khỏe dữ! Người "khỏe dữ" cười toe, trả lời là làm được nhiêu hay nhiêu, chớ ở ru rú trong nhà liên miên buồn chết! Người khác thì khoe hình đi chơi khắp chốn, Mỹ, Úc, châu Á, châu Âu... Giờ tranh thủ đi chơi, chớ hồi đó, suốt ngày làm việc túi bụi, quay cuồng, ai cho nghỉ mà đi; đi rồi ai làm thay mình. Người kể chuyện trồng rau, trồng hoa trong chậu cây cảnh. Kẻ nói vừa sắm một cái máy ảnh hàng hiệu kèm thêm hai cái ống kính rời, tập tễnh chụp ảnh nghệ thuật cho thỏa chí.
Về hưu, nghề nào không biết chứ lao tâm khổ tứ, vất vả tinh thần như nghề dạy học thì có người chỉ mong mau mau về cho khỏe, cũng có người lại thấy mình còn sức còn tài nên luyến tiếc rưng rưng. Bởi vậy, nghe ngóng chuyện tăng tuổi nghỉ hưu, người sắp về lo lắng, không biết mình còn phải (được) làm mấy năm nữa, riêng kẻ còn lâu mới về thì cứ tỉnh bơ, không phải chuyện của mình.
Về hưu, khi chọn ngày họp mặt cũng bàn luôn chuyện nấu món gì ăn uống nữa chứ. Cháo, bún, bánh canh, nui, nói chung là mấy thứ mềm mềm dễ tiêu, không dầu mỡ. Trái cây ít ngọt, ít đường như thơm, đu đủ, bưởi, mận, ổi. Chủ yếu là gặp nhau nói chuyện cho vui, dặn dò nhau phải tự giữ sức khỏe, hết sức yêu đời, già rồi ham hố làm chi cho mệt thân. Cũng dám nói là không có gì tiếc nuối, ân hận, băn khoăn, ray rứt nữa. Ta đã làm hết sức, bắt chước theo ngôn ngữ thời thượng là đã "dành cả tuổi thanh xuân" tràn trề tươi tắn, khỏe khoắn để làm người có ích cho xã hội. Nên, nghỉ ngơi là chuyện đương nhiên. Lúc này, ta là cây tre già, và quanh ta, những chồi măng mạnh giỏi, tốt tươi cứ đang tua tủa nhú lên thôi.
Về hưu, những người có vợ có chồng, lên chức ông bà nội ngoại, luôn hoan hỉ đón nhận để tận hưởng hạnh phúc tuổi già bên con cháu. Còn kẻ độc thân thì thường không vui. Từ giờ trở đi chẳng có gì làm cho hết thời gian rảnh rang, ở không dằng dặc, miên man. Thêm nữa, sợ cái cảnh từ nay giảm sút nhiều lắm số tiền lãnh lương hàng tháng. Tháng nào cũng sẽ có bây nhiêu đó, không còn tiền thưởng các dịp lễ Tết, vượt mức thi đua, thâm niên, phụ trội, phụ cấp, làm thêm, dôi dư, lương tháng mười ba, truy lãnh, bù lỗ gì đấy, trong khi chỉ có một thân một mình, có tiêu xài là bao.
Với lại, ai chẳng biết, phụ nữ trên dưới năm mươi tuổi là muốn bịnh đầy mình. Mãn kinh, đầu gối lỏng lẻo, nhức mỏi tùm lum, chóng mặt, mỡ trong máu, đau gót chân, đuôi mắt hiện ra hàng đống vết chân chim... Chưa hết, tóc bạc bây giờ cứ lau nhau hiện ra, bởi hồi còn đi làm, còn giao tiếp bên ngoài, cứ phải nhuộm hoài nên lúc đó không cần để ý lắm.
Bữa nọ có đồng nghiệp cũ ở nước ngoài về, tụ họp bạn xưa nói chuyện một hồi rồi hỏi nhau lãnh lương hưu bao nhiêu. Người ba triệu mấy (đồng), kẻ trên dưới năm triệu, nghe nói kẻ kia mới về năm nay mà lãnh tới hơn bảy triệu. Rồi giỡn, ai biểu về sớm chi cho lương hưu ít xịu, ráng chịu!
Nhớ hồi nghỉ hưu, khi lên nhận quà chia tay của nhà trường, mình có xin phép đọc bài thơ con cóc như vầy:
Thì ai rồi cũng phải về
Về khi đã hết tuổi nghề vậy thôi
Coi như mình được nghỉ chơi
Ngồi nhìn bao kẻ vừa bơi vừa rầu.
Ai cũng hiểu ý là nghỉ hưu nghe khỏe re, lại thấy thương nhiều kẻ còn túi bụi đi làm. Nhưng có tay kia, chuyên gia nói lái, rỉ tai mọi người "Câu cuối bậy à nha!", làm cả hội đồng cười nghiêng ngả, vui quá xá...
Bình luận (0)