Hiện nay, nhu cầu đi xuất khẩu lao động của người dân Việt Nam là rất lớn, bên cạnh các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…, người lao động (NLĐ) Việt Nam đang có xu hướng đi xuất khẩu lao động qua các nước như Úc, Canada, New Zealand... Chính sách xét duyệt visa lao động, mở cửa chào đón NLĐ có tay nghề của các nước này cũng đang rất thông thoáng, mở rộng nhiều ngành nghề tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có NLĐ Việt Nam.
Nâng chỉ tiêu nhập cư
Chính phủ Úc mới đây đã quyết định nâng hạn mức nhập cư diện thường trú hằng năm thêm hơn 20%, lên 195.000 người/năm (tăng 35.000 người) để giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng trong nước, mở rộng cơ hội định cư cho lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, Úc cũng tăng mức lương tối thiểu cho những người nhập cư có kỹ năng đến Úc làm việc theo diện tạm thời. Úc sẽ mở rộng và linh hoạt các hình thức đào tạo nghề, sửa đổi đạo luật làm việc công bằng nhằm củng cố sự tiếp cận đối với các hình thức lao động linh động, tăng cường bảo vệ NLĐ, chống lại phân biệt đối xử và tình trạng quấy rối nơi làm việc. Một bước đột phá nữa là mở rộng thị thực và nới lỏng các hạn chế lao động đối với sinh viên quốc tế để có nhân công làm việc, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN) Úc.
Nhiều liên đoàn DN Úc cho rằng cách tốt nhất để cải thiện tình trạng thiếu hụt lao động là nâng cao lượng NLĐ nhập cư và rút ngắn thời gian xử lý thị thực. Nếu chính phủ không cải thiện được điều này, cuộc chạy đua toàn cầu nhằm thu hút những người di cư có tay nghề cao đến Úc sẽ chậm lại và mất cơ hội bởi nhiều nước cũng đang trong "cuộc chiến toàn cầu để tìm kiếm nhân tài".
New Zealand là một ví dụ điển hình. Chính phủ nước này đang làm mọi cách thu hút thêm 12.000 lao động trong năm 2023 để lấp lỗ hổng thiếu hụt lao động, trong bối cảnh các DN nước này đang đỏ mắt tìm kiếm nhân sự. Theo thông báo của Bộ Nhập cư New Zealand, các quy định được điều chỉnh bao gồm cơ chế làm việc kết hợp du lịch; nới lỏng các quy định về tiền lương đối với những người nhập cư có tay nghề cao trong các lĩnh vực như chăm sóc người cao tuổi, xây dựng, cơ sở hạ tầng, chế biến thịt, hải sản và du lịch - khách sạn. Ngoài ra, thị thực của một số lao động theo diện chương trình thị thực làm việc kết hợp du lịch sẽ được gia hạn 6 tháng nhằm giữ chân các lao động hiện nay ở nước này. Chị Nguyễn Thị Vân, thợ làm bánh người Việt đang làm việc tại TP Auckland - New Zealand, cho biết: "Mức lương tôi nhận được là 60 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn được hỗ trợ tiền thuê nhà. Nếu chịu khó, tôi có thể tiết kiệm được khoảng 45 triệu đồng/tháng".
Úc đang thiếu lao động làm việc tại các trang trại
Nhiều ngành nghề hấp dẫn
Mới đây, Bộ Nhập cư - Tị nạn và Quốc tịch Canada đã bổ sung nhân lực cũng như hiện đại hóa hệ thống nhập cư để giải quyết khoảng 2,7 triệu hồ sơ thuộc chương trình cấp giấy phép lao động đang tồn đọng. Điều này cho thấy chính phủ Canada đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình cấp phép cho lao động nước ngoài đến làm việc nhằm bù đắp sự thiếu hụt lao động được cho là trầm trọng nhất từ trước đến nay tại nước này.
Rất nhiều ngành nghề đang được các DN Canada trình lên chính phủ để được tuyển lao động từ bên ngoài, như các công việc liên quan ngành nông nghiệp, gia công cơ khí; công việc thuộc ngành xây dựng, điện tử, hàn xì, chế biến thực phẩm, kể cả những kỹ sư thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Có thể nói thị trường lao động Canada đang rộng mở và hấp dẫn với lao động Việt Nam nhưng còn rất khắt khe nên chưa có nhiều lao động Việt Nam đến làm việc. Hơn nữa, chi phí để sang Canada làm việc còn quá cao so với khả năng tài chính của NLĐ Việt Nam. Theo nhiều thông tin tuyển dụng từ các công ty cung cấp dịch vụ đưa NLĐ sang Canada làm việc, tổng chi phí một lao động phải trả để sang Canada làm việc khoảng 16.000 - 20.000 USD, tùy công việc nhưng mức lương được hưởng cũng khá cao, 3.000 - 7.000 USD/tháng.
Ông Nguyễn Viết Anh, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nhân lực và giáo dục ANB Việt Nam (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), cho biết có 2 chương trình NLĐ Việt Nam có thể tham khảo nếu muốn sang Canada làm việc. Đầu tiên là chương trình tu nghiệp sinh tại Canada dành cho những người có trình độ chuyên môn. Tham gia chương trình này, NLĐ sẽ có 6 tháng học chuyên môn sau khi đến Canada; tiếp đó là 6 tháng thực tập để làm quen với môi trường làm việc; sau 1 năm, NLĐ sẽ chính thức được đi làm toàn thời gian. Tiếp theo là chương trình lao động phổ thông Canada. Yêu cầu của chương trình này rất đơn giản, chỉ cần NLĐ trong độ tuổi 25 - 45; tiếng Anh giao tiếp khá, sức khỏe tốt. "Thị trường lao động Canada rất tiềm năng khi chính phủ nước này đang nới lỏng nhiều quy định để thu hút lao động từ các nước đang phát triển. Họ ưu tiên tuyển dụng NLĐ nước ngoài cho các công việc như: khai thác mỏ, kỹ sư xây dựng, dầu khí, cơ khí và giao thông vận tải, phục vụ, đầu bếp, hướng dẫn viên du lịch…; cả điều dưỡng, y tá, bác sĩ, chuyên gia tâm lý hay nhân viên kiểm toán, bất động sản. Làm những công việc này, NLĐ sẽ được ưu tiên xét định cư lâu dài" - ông Anh nhấn mạnh.
Cảnh báo lừa đảo
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) lưu ý NLĐ cảnh giác trước các thông tin tuyển lao động đi Úc làm việc theo chương trình nông nghiệp với mức phí khá cao. Đây là chương trình quan trọng đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao - Thương mại Úc ký bản ghi nhớ nhưng đang trong giai đoạn đàm phán để thống nhất quy trình và nội dung đưa lao động đi. Vì vậy, những thông tin tuyển lao động đi Úc làm việc theo chương trình nông nghiệp là chưa chính xác, có dấu hiệu thu lợi bất chính.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-9
Bình luận (0)