Vừa qua, Công ty TNHH M.A (TP HCM) ra quyết định sa thải hơn 10 người lao động (NLĐ). Cho rằng công ty sa thải trái luật, một số lao động không nhận quyết định và làm thủ tục khởi kiện ra tòa. Để bổ túc hồ sơ theo yêu cầu của tòa, NLĐ trở lại công ty đòi quyết định sa thải thì bị từ chối. Do không đủ hồ sơ, một số lao động đã từ bỏ ý định khởi kiện.
Sơ sẩy, cả tin
Anh N.T.Q, một trong số lao động kể trên, cho biết anh làm việc từ tháng 7-2011 với hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn. Tuy nhiên, cả 2 bản HĐLĐ đều do công ty giữ. Tháng 4-2019, do kinh doanh gặp khó khăn, công ty yêu cầu NLĐ tự viết đơn xin nghỉ việc nhưng họ không đồng ý. Sau đó, công ty ra quyết định sa thải hơn 10 nhân viên mà không họp xử lý kỷ luật lao động. Bị sa thải đột ngột nên số nhân viên nói trên rất bức xúc. Giải thích lý do vì sao không nhận quyết định sa thải, anh Q. cho rằng nếu nhận cũng đồng nghĩa với việc đồng ý với quyết định của công ty, do vậy anh và đồng nghiệp phải từ chối. Do không có HĐLĐ lẫn quyết định sa thải nên tòa từ chối thụ lý đơn của anh Q. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, bà P.T.D, đại diện công ty, thách thức: "Công ty đưa quyết định nhưng họ không chịu nhận, do vậy lỗi là ở NLĐ chứ không phải doanh nghiệp. Chúng tôi còn nhiều việc để làm và không có nhiều thời gian để chiều theo ý NLĐ. Họ không đồng ý thì cứ kiện ra tòa".
Người lao động nhờ Báo Người Lao Động can thiệp, bảo vệ quyền lợi
Ông N.V.H (huyện Bình Chánh, TP HCM) biết doanh nghiệp phạm luật nhưng vẫn cố bám trụ để rồi mất trắng quyền lợi của 27 năm làm việc. Tháng 11-1992, ông H. ký HĐLĐ làm lái xe cho Công ty TNHH Q.M (quận 1, TP HCM, do ông Đ.C.Q là giám đốc). Tháng 1-2009, vì không tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ nên công ty bị khởi kiện ra tòa và bị buộc phải chi trả các quyền lợi liên quan. Đến năm 2013, ông Đ.C.Q tuyên bố phá sản Công ty TNHH Q.M và thành lập Công ty TNHH K.Q.M cùng với một số lao động của Công ty Q.M, ông H. tiếp tục làm việc cho Công ty K.Q.M nhưng không được tham gia BHXH, BHYT. Đến giữa năm 2019, Công ty K.Q.M lại thông báo phá sản, chuyển toàn bộ đội xe sang một HTX vận tải, cho toàn bộ NLĐ nghỉ việc, đồng thời phớt lờ luôn khoản nợ BHXH của NLĐ. "27 năm qua, dù công ty thay đổi tên gọi nhiều lần nhưng thực tế cùng 1 chủ sở hữu. Tôi đã nhiều lần đề nghị công ty tham gia BHXH, BHYT họ cũng hứa hẹn nhưng không thực hiện. Tôi tin với sự trung thành của mình, lãnh đạo công ty sẽ không để tôi bị thiệt. Ai ngờ…" - ông H. thất vọng nói.
Mù mờ luật pháp
Thiếu am hiểu pháp luật, rất nhiều trường hợp NLĐ bị thiệt thòi quyền lợi. Trường hợp xảy ra đối với NLĐ từng làm việc ở HTX Đan len C.T (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) là một minh chứng. Chị N.T.B.S cho biết chị bắt đầu làm việc cho HTX từ tháng 6-1999. Tháng 2-2009, do gặp khó khăn, phải ngừng hoạt động, chị S. và gần 100 lao động được HTX chuyển sang làm việc tại Công ty CP Dệt len P.N. Đến tháng 8-2013, chị S. xin nghỉ việc. "Chủ nhiệm HTX và giám đốc công ty là một người. Khi chuyển giao lao động, HTX không làm thủ tục chấm dứt HĐLĐ nên chúng tôi nghĩ HTX với Công ty CP Dệt len P.N là một. Hơn nữa, cho đến khi nghỉ việc, tôi cũng không biết quy định doanh nghiệp phải chi trả trợ cấp thôi việc (TCTV) cho NLĐ trong khoảng thời gian làm việc không tham gia bảo hiểm thất nghiệp nên không biết để đòi. Mãi đến năm 2017, khi được HTX thông báo về việc chi trả TCTV cho NLĐ thì tôi mới biết về quy định này" - chị S. trình bày.
Số tiền TCTV trong khoảng thời gian từ năm 1999-2009 chị S. được HTX chi trả là 4,5 tháng lương cộng với lãi suất chậm chi trả trong 10 năm (lãi suất 6%/năm). Mức lương tính TCTV là mức bình quân của 6 tháng lương liền kề trước khi chị S. nghỉ việc tại HTX (796.500 đồng/tháng). Tổng số tiền TCTV chị S. được nhận là hơn 6,4 triệu đồng. Cho rằng việc áp dụng mức lương năm 2009 để tính TCTV là không thỏa đáng, chị S. đã khởi kiện ra tòa yêu cầu HTX áp dụng mức lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi thôi việc tại Công ty CP Dệt len P.N (5,1 triệu đồng/tháng) để tính TCTV. Tuy nhiên, theo Hội đồng Xét xử, công ty có tư cách pháp nhân riêng và hoạt động độc lập với HTX, do đó không có cơ sở áp dụng mức lương tại thời điểm nghỉ việc của chị S. tại công ty này để tính TCTV. Kết quả, chị S. chỉ được nhận TCTV hơn 6,4 triệu đồng.
Đừng để nước đến chân mới nhảy
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, nhìn nhận trước khi bị thiệt thòi quyền lợi, NLĐ thường ít quan tâm tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là bộ luật liên quan thiết thực đến đời sống, việc làm của NLĐ như Bộ Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Việc làm. Đến khi sự việc xảy ra thì NLĐ lại đổ lỗi cho việc không biết luật và bắt đầu tìm hiểu thì đã quá muộn. "Quyền lợi là của chính NLĐ nên hơn ai hết, NLĐ phải biết và tự trang bị kiến thức để bảo vệ mình. Đừng để nước đến chân mới nhảy để rồi mất quyền lợi oan uổng" - ông Phúc nhấn mạnh.
Bình luận (0)