Tại Việt Nam, loại hình cho thuê lại lao động đã xuất hiện nhiều năm nay và đang có chiều hướng tăng mạnh. Đáng nói là cho đến thời điểm hiện tại, pháp luật chưa cho phép loại hình dịch vụ này hoạt động nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tìm cách “lách”. Điều này làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, tranh chấp thường xuyên xảy ra và phần thua thiệt luôn thuộc về người lao động. Trường hợp tại Công ty Cadena Việt Nam, quận Phú Nhuận-TPHCM là một điển hình.
Giao kết nơi này, làm việc nơi khác
Ngày 16-7-2008, Công ty Cadena Việt Nam ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn với anh Nguyễn Quý Cường, công việc là phụ trách bộ phận công nghệ thông tin. Tuy nhiên, anh Cường không làm việc tại Công ty Cadena Việt Nam mà làm việc ở Công ty Shell Việt Nam (Hà Nội). Ngày 5-10-2010, anh Cường đang làm việc thì nhận được thông báo chấm dứt HĐLĐ từ Công ty Cadena Việt Nam với lý do “Công ty Shell Việt Nam đóng cửa một số bộ phận, cắt giảm 30 nhân viên”.
Giải thích về việc này, bà Nguyễn Thị Thảo, đại diện Công ty Cadena Việt Nam, cho biết công ty được Tập đoàn HP toàn cầu thuê cung cấp và hỗ trợ các dịch vụ phần mềm công nghệ thông tin và các dịch vụ về công nghệ thông tin cho Công ty Shell Việt Nam, không phải Công ty Cadena Việt Nam ký hợp đồng trực tiếp với Công ty Shell Việt Nam. “Vì nơi người lao động làm việc là Công ty Shell Việt Nam đóng cửa một số bộ phận nên căn cứ khoản d, điều 38 Bộ Luật Lao động, sau khi báo trước, ngày 9-11-2010, chúng tôi ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ với anh Cường. Việc làm này là đúng quy định” – bà Thảo nói.
Không đồng ý với quyết định chấm dứt HĐLĐ của Công ty Cadena Việt Nam, anh Cường kiện ra TAND huyện Từ Liêm - Hà Nội. Cho rằng Công ty Cadena Việt Nam ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ với anh Cường vi phạm cả nội dung và hình thức, TAND huyện Từ Liêm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Cường. Sau khi thua kiện ở cấp sơ thẩm, Công ty Cadena Việt Nam đã kháng cáo lên TAND TP Hà Nội. Án phúc thẩm nhận định việc Công ty Cadena Việt Nam đơn phương chấm dứt HĐLĐ với anh Cường là đúng pháp luật nên tuyên phần thắng thuộc về công ty.
Vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, bản án của TAND huyện Từ Liêm và TAND TP Hà Nội đã sai về mặt tố tụng, khi không đưa Công ty Shell Việt Nam là đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan vào tố tụng vì địa điểm làm việc của anh Cường là Công ty Shell Việt Nam. Còn việc ký HĐLĐ với Công ty Cadena Việt Nam nhưng làm việc tại Công ty Shell Việt Nam là sai về mặt chủ thể sử dụng lao động. Ngoài ra, do Công ty Shell Việt Nam không phải là một bộ phận của Công ty Cadena Việt Nam nên không thể áp dụng điều 38 Bộ Luật Lao động để xử lý.
Bên cạnh đó, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với anh Cường, Công ty Cadena Việt Nam căn cứ vào điểm d, khoản 1, điều 38 Bộ Luật Lao động là không phù hợp, bởi Công ty Cadena Việt Nam không hề bị thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng mà chỉ là do Công ty Shell Việt Nam cắt giảm nhận sự. “Đây là bản án vi phạm nghiêm trong về mặt hình thức lẫn nội dung. Do vậy, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao cần kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội theo thủ tục giám đốc thẩm” - ông Hậu kiến nghị.
Người lao động chịu thiệt Việc Công ty Cadena Việt Nam ký HĐLĐ với anh Nguyễn Quý Cường rồi cho Công ty Shell Việt Nam “thuê” là trái pháp luật. Hiện nay, không chỉ Công ty Cadena Việt Nam mà còn rất nhiều doanh nghiệp đang “lách luật” để làm dịch vụ này khi giao kết cho thuê lại lao động bằng “hợp đồng kinh tế”. Điều này dẫn đến việc khi xảy ra tranh chấp, các bên thường đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và đẩy thiệt thòi về phía người lao động. |
Bình luận (0)