Mới đây, UBND TP HCM đã ra quyết định giải thể Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) và Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) các KCX-KCN TP. Thực hiện quyết định này, trung tâm phải chấm dứt hợp đồng lao động với 6 nhân viên (có thời gian làm việc sau năm 2009). Để hỗ trợ khó khăn cho người lao động (NLĐ) mất việc, trung tâm muốn chi trả trợ cấp mất việc (TCMV) cho họ. Tuy nhiên, ý định này không thực hiện được vì vướng quy định pháp luật.
Không thể giúp NLĐ vì sợ làm trái luật
Để có cơ sở giải quyết quyền lợi cho NLĐ, bà Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Trung tâm DVVL và Hỗ trợ DN các KCX-KCN TP, đã đi tham vấn tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP và Phòng Lao động Ban Quản lý các KCX-KCN TP. Câu trả lời mà bà nhận được là số lao động nói trên không thuộc trường hợp được hưởng TCMV. "Dù cảm thấy NLĐ rất thiệt thòi nhưng chúng tôi không có cách nào thực hiện được vì làm thì lại trái quy định" - bà Diệp cho biết.
Công nhân Xí nghiệp Giày I (Công ty CP Thanh Bình) ngừng việc yêu cầu công ty chi trả trợ cấp mất việc khi giải thể
Tương tự, Công ty TNHH May Lụa (quận Tân Bình, TP HCM) cũng gặp lúng túng, không biết phải giải quyết chế độ TCMV hay thôi việc cho công nhân (CN) khi giải thể DN. Giải đáp thắc mắc của DN, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) khẳng định theo Bộ Luật Lao động hiện hành, đơn vị, DN giải thể thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 điều 36, đó là "người sử dụng lao động (NSDLĐ) không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động". NLĐ bị mất việc ở trường hợp này không được hưởng TCMV, chỉ được chi trả trợ cấp thôi việc (TCTV) nếu làm việc liên tục cho NSDLĐ từ 12 tháng trở lên. Thời gian làm việc để tính TCTV là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và thời gian làm việc đã được chi trả TCTV.
Như vậy, cùng một tình huống giải thể, 6 trường hợp tại Trung tâm DVVL và Hỗ trợ DN các KCX-KCN TP không được hưởng TCMV. Ngoài ra, vì thời gian bắt đầu làm việc là sau năm 2009 nên họ cũng không được hưởng TCTV, chỉ được nhận trợ cấp thất nghiệp theo quy định. "Đa số nhân viên nghỉ việc đều thuộc diện gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ nên việc đột ngột mất việc, mất thu nhập khiến họ gặp nhiều khó khăn. Rõ ràng, NLĐ bị mất việc làm nhưng lại không được hưởng TCMV, điều này là không hợp tình hợp lý" - bà Điệp bày tỏ.
Nhập nhằng mất việc, thôi việc
Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, thôi việc và mất việc khác nhau về bản chất. Thôi việc chỉ tình trạng NLĐ chủ động xin nghỉ việc, còn mất việc chỉ tình huống NLĐ mất việc một cách bị động vì một lý do nào đó xuất phát từ phía NSDLĐ. Do vậy, mức chi trả TCTV và TCMV cũng khác nhau nhằm tránh thiệt thòi quyền lợi cho NLĐ. Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu thực hiện chính sách BHTN (năm 2009) thì TCTV được thay thế bằng trợ cấp thất nghiệp, còn TCMV thì mất đi ý nghĩa ban đầu của nó. "Theo quy định tại điều 49 Bộ Luật Lao động, TCMV chỉ được chi trả cho NLĐ trong trường hợp sáp nhập, chia tách, hợp nhất DN, hợp tác xã hoặc DN thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế. Thời gian làm việc để tính TCMV là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia BHTN và thời gian làm việc đã được chi trả TCTV.
"Điều này đồng nghĩa với việc NLĐ bắt đầu làm việc tại DN sau năm 2009 (có thời gian làm việc thực tế không bao gồm các trường hợp quy định tại khoản 5 điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP) bị mất việc cũng chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp như người thôi việc. Điều này dễ khiến NLĐ cảm thấy thiệt thòi, bức xúc dẫn đến tranh chấp lao động" - ông Tín phân tích.
Minh chứng điển hình là vụ ngừng việc của hơn 500 CN Xí nghiệp Giày I thuộc Công ty CP Thanh Bình (quận Gò Vấp, TP HCM) mới đây. Ngày 8-7-2019, tổng giám đốc công ty ra thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động đối với toàn thể CN đang làm việc tại đây kể từ ngày 31-8-2019 với lý do công ty thay đổi cơ cấu tổ chức, không có khả năng bố trí việc làm mới. Khi nghỉ việc, NLĐ làm việc từ năm 2006 sẽ được công ty trả TCMV mỗi năm làm việc là 1 tháng lương; CN làm việc từ năm 2007 được trợ cấp 2 tháng lương; những người làm việc từ năm 2009 đến nay không được hỗ trợ gì ngoài nhận chế độ trợ cấp thất nghiệp. Bất bình cho những CN gắn bó với công ty nhiều năm và cùng bị mất việc nhưng không được hưởng TCMV, tập thể CN đã ngừng việc yêu cầu công ty phải chi trả cho mỗi CN làm việc sau năm 2009 ít nhất 2 tháng tiền lương. Yêu cầu của CN khiến các cơ quan chức năng tham gia giải quyết tranh chấp cũng lúng túng vì không có cơ sở giải quyết nên hướng dẫn DN làm công văn "cầu cứu" Sở LĐ-TB-XH TP. Sau đó, công ty đồng ý đáp ứng yêu cầu nên tập thể CN mới chịu quay lại làm việc.
Bình luận (0)