Cuối tháng 3-2014, tại Thanh Hóa, Trung ương Đoàn phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Quỹ Chấm dứt buôn bán người và bóc lột lao động đã tổ chức các hoạt động truyền thông về di cư an toàn đối với thanh niên. Số liệu từ một cuộc khảo sát của ILO cho thấy không người lao động (NLĐ) nào từ Thanh Hóa và Quảng Ngãi dự định đi làm việc ở nước ngoài biết được thông tin cụ thể về chi phí cũng như các quy định về tiền dịch vụ, tiền môi giới, việc hoàn trả các khoản tiền này... 50% trong số 300 NLĐ được hỏi cho biết họ không biết các kênh để đi làm việc ở nước ngoài; 95% không biết về quyền được giữ hộ chiếu khi làm việc ở nước ngoài.
Cày cục nuôi “cò”
Chị Tống Thị Oanh - ở xã Hà Bắc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa - cho biết chị đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Malaysia trong 3 năm, mới hết hạn tháng 11-2013. Trước đó, qua một công ty môi giới ở Hà Nội, chị đi XKLĐ với chi phí 1.300 USD theo dạng nợ phí (công ty môi giới sẽ khấu trừ vào tiền lương hằng tháng). Cày cục làm việc cả năm, tiết kiệm chi tiêu đủ thứ, chị mới trả hết khoản nợ này.
“Năm đầu tiên, công việc không đều nhưng mỗi tháng đều bị trừ phí môi giới, dù đã tiết kiệm chi tiêu nhưng tôi chỉ dành dụm được 20 triệu đồng. Xa gia đình, sống cực khổ ở xứ người nhưng thu nhập còn thấp hơn làm công nhân ở trong nước. Do không tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp (DN) nên thu nhập không như mong muốn, chỉ được 4-6 triệu đồng/tháng; đã vậy, tôi còn bị công ty môi giới ăn của mình nhiều quá”- chị Oanh than thở.
Bi đát hơn là trường hợp chị Tống Thị Thanh cũng ở huyện Hà Trung. Qua một công ty môi giới, cuối năm 2012, chị lên Hà Nội học tiếng Hoa và đi XKLĐ, làm CN cơ khí tại Đài Loan. Chị Thanh cũng bị công ty môi giới bắt chẹt khi tính phí 6.500 USD (quy định của Bộ LĐ-TB-XH chỉ khoảng 4.500 USD). Chị Thanh cho hay điều kiện ăn ở, làm việc quá tệ, lại bị ông chủ đánh đập thậm tệ mà không rõ nguyên nhân khiến chị chán nản. Sau 10 tháng làm việc, Thanh đến công ty môi giới xin chuyển chỗ làm nhưng bị từ chối, chị đành chọn cách kết thúc hợp đồng trước thời hạn. May mắn là khi về nước, chị còn đòi lại được 3.000 USD.
“Tại anh, tại ả...”
Qua khảo sát của ILO trên 30 trường hợp lao động về nước trước thời hạn tại Thanh Hóa và Quảng Ngãi, ngoài lý do khách quan từ phía NLĐ như không thích nghi điều kiện làm việc, tác phong công nghiệp, kỷ luật làm việc, kỷ luật công nghệ; không phù hợp về văn hóa, lối sống; lý do cá nhân, gia đình, còn có lý do khác là DN sở tại gặp khó khăn, không bố trí đủ việc làm, không có khả năng trả lương cho NLĐ theo đúng cam kết; NLĐ vi phạm pháp luật tại nước đến, vi phạm kỷ luật lao động, nội quy, quy chế tại nơi làm việc...
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Điều phối viên quốc gia dự án của ILO Việt Nam, thực trạng này đòi hỏi lao động Việt Nam cần được chuẩn bị tốt hơn khi ra nước ngoài làm việc, bởi họ phần lớn còn trẻ, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng hòa nhập. Bà Thủy nhấn mạnh: “Tạo điều kiện cho NLĐ tiếp cận các kênh thông tin chính thống, giới thiệu các công ty đáng tin cậy, được cấp phép đưa lao động đi làm việc nước ngoài là cách giúp NLĐ hạn chế rủi ro và thiệt thòi quyền lợi”.
Bình luận (0)