Doanh nghiệp (DN) điện tử phát triển cả về quy mô và số lượng, kéo theo lực lượng lao động làm việc trong ngành Điện tử tăng nhanh. Hiện nay, hơn 1.000 DN hoạt động trong lĩnh vực điện tử tại Việt Nam sử dụng khoảng 500.000 lao động và nhu cầu sử dụng lao động có xu hướng tiếp tục tăng.
69% lao động chưa có bằng cấp, chứng chỉ
"Ngành Điện tử mở cửa đón người lao động, nhưng là lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc; còn với lao động tay nghề thấp, nếu họ không cố gắng thì có thể mất việc làm như ở nhiều ngành, nghề khác", ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB-XH cảnh báo.
Khảo sát của Viện cho thấy, gần 69% trong số lao động đang làm việc ở ngành Điện tử chưa có bằng cấp, chứng chỉ nên họ được giao làm những việc giản đơn như bán hàng, bảo vệ, vận hành máy móc… Số lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 11,15%, trên đại học 0,14%. Trình độ chuyên môn thấp của người lao động gây khó khăn cho cả hai phía. Phía DN khó tận dụng nguồn lực tại chỗ phục vụ sự phát triển toàn diện, bền vững; người lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm do không đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công việc.
Công nhân tại một doanh nghiệp điện tử Ảnh mang tính minh họa
Ngoài trình độ chuyên môn, tỉ lệ lao động làm việc không có hợp đồng, chỉ thỏa thuận miệng hoặc có hợp đồng dưới 3 năm chiếm hơn 72% tổng số lao động đang làm việc tại các DN điện tử phần nào phản ánh tình trạng việc làm thiếu bền vững trong lĩnh vực này. "Đa số lao động tại các DN điện tử là nữ, dưới 35 tuổi, từ nơi khác đến. Ở độ tuổi này, họ phải thực hiện cùng lúc nhiều nghĩa vụ, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội nên rất cần có công việc ổn định. Làm việc trong trạng thái không biết bản thân gắn bó với công việc trong bao lâu nên NLĐ khó có thể cống hiến hết mình", bà Chử Thị Lân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và điều kiện lao động (Viện Khoa học lao động và Xã hội) phân tích.
Nói về việc làm bền vững tại các DN điện tử, ông Đào Quang Vinh cho rằng, trước hết doanh nghiệp ở lĩnh vực này nên tổ chức đào tạo cho NLĐ hoặc đưa đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. DN cần chủ động đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có được nguồn nhân lực đầu vào chất lượng. NLĐ nên tích cực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, không ngừng sáng tạo trong quá trình làm việc. Ngoài ra, Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Đồng tình với quan điểm trên, bà Phạm Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quan hệ lao động, Công ty Samsung Thái Nguyên cho biết, công ty này đã đưa 1.000 NLĐ đi đào tạo tại các trường nghề, trong đó có 500 người đã tốt nghiệp. Sau khi học nghề, năng suất, hiệu quả công việc của NLĐ tăng lên đáng kể. "Đào tạo chuyên môn cho NLĐ là hình thức DN và NLĐ hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, phấn đấu vì lợi ích lâu dài, bền vững của cả hai phía", bà Phạm Thị Thu Hương khẳng định.
Cần sự hợp tác "3 bên"
Không chỉ khó bảo đảm việc làm bền vững, lao động tại các DN điện tử phải làm thêm vượt quá số giờ quy định, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH cho biết, năm 2017, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 200 DN hoạt động trong lĩnh vực điện tử, phát hiện 1.794 lượt sai phạm (bình quân 8,3 sai phạm/DN). Sai phạm phổ biến là nội dung hợp đồng lao động không đúng quy định, chưa thể hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của phía sử dụng lao động và NLĐ; không thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; huy động NLĐ làm thêm vượt quá số giờ quy định… "100% DN điện tử tổ chức làm thêm giờ, trong đó có khoảng 60% DN vi phạm quy định của Bộ luật Lao động về làm thêm giờ. Luật cho phép làm thêm tối đa 300 giờ/năm nhưng nhiều DN huy động NLĐ làm thêm tới 400 giờ - 500 giờ/năm, thậm chí nhiều hơn", ông Nguyễn Tiến Tùng phản ánh.
Kết quả khảo sát của Viện Khoa học lao động và Xã hội cũng nêu rõ, 80% lao động trong ngành Điện tử tham gia làm thêm giờ. Làm thêm quá nhiều khiến NLĐ có ít thời gian dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe, càng không có thời gian để học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. NLĐ làm thêm giờ quá nhiều còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, mắc các bệnh nghề nghiệp.
Ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, hơn 22% số công nhân lắp ráp linh kiện điện tử bị các bệnh nội khoa; hơn 16% bị các bệnh về mắt. Hơn 80% số người đã trải qua khâu trắc nghiệm tâm lý cho rằng công việc rất đơn điệu, thời gian phải tập trung quan sát, chú ý chiếm đa số thời gian làm việc khiến họ cảm thấy căng thẳng.
Những dẫn chứng nêu trên phần nào cho thấy, quá trình chuyển dịch việc làm từ thiếu bền vững sang bền vững tại các DN điện tử ở Việt Nam không thể thực hiện được nếu thiếu cái "bắt tay" hợp tác "3 bên" giữa DN, NLĐ và cơ sở đào tạo. Trong quá trình chuyển dịch, cơ quan quản lý nhà nước là đơn vị trung gian, giữ vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bên phát huy năng lực, sở trường.
Bình luận (0)