Nhiều công nhân (CN) ở các KCX-KCN TP HCM vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại sự việc diễn ra cách đây hơn 1 tháng. Nhờ sự can thiệp kịp thời của các ban ngành, đoàn thể, đời sống CN, tình hình sản xuất của doanh nghiệp (DN) đã trở lại bình thường. Nhiều CN nhìn nhận bản thân thiếu chín chắn, nhận thức non kém. “Khi có người vào đập phá công ty, tôi và hầu hết đồng nghiệp đều sợ hãi, không có cách nào giúp công ty bảo vệ tài sản” - chị P.T.L, CN Công ty TNHH Freetrend Việt Nam (KCX Linh Trung 1, TP HCM), than thở.
Cần hài hòa quyền lợi và trách nhiệm
Chị L. cho biết hầu hết CN đều chưa học hết phổ thông và không có điều kiện học thêm những kiến thức khác. Hiện DN đã chú trọng đến việc tuyên truyền nhằm định hướng thông tin cho CN. Tuy nhiên, nhiều kỹ năng như xử lý tình huống, đối phó với các phần tử kích động..., CN vẫn chưa biết. Khi vào làm việc, CN chỉ được huấn luyện về nội quy, pháp luật, tay nghề. DN không có điều kiện đưa các môn kỹ năng vào chương trình đào tạo. Chị L. chia sẻ: “Chúng tôi sẵn sàng tham gia các lớp học về kỹ năng sống, làm việc nhóm, xử lý tình huống… để có thể ứng phó khi xảy ra bất trắc”.
Theo ông Lê Văn Điền, Phó Chủ tịch CĐ cơ sở Công ty TNHH Terratex Việt Nam (KCN Tân Thới Hiệp, TP HCM), ngoài thiếu hiểu biết về pháp luật, CN còn hạn chế trong nhìn nhận và hành xử. Phần lớn CN đều chú ý đến quyền lợi mà quên trách nhiệm của mình. “Thông tin, kiến thức do DN đào tạo không thể “phủ” hết môi trường làm việc và sinh hoạt của CN. Người lao động (NLĐ) nên được dạy cách thức ứng phó tình huống, xử lý công việc ở các trường nghề, trường phổ thông. DN chỉ hướng dẫn thêm nhằm giúp NLĐ thích ứng nhanh với môi trường làm việc. Khi có kiến thức cần thiết, CN sẽ có cái nhìn hài hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm” - ông Điền đề xuất.
Tập cho công nhân mạnh dạn, chủ động
Trước phát sinh từ thực tế, nhiều DN đã quan tâm trang bị kỹ năng, định hướng tư tưởng cho CN bằng cách lồng ghép trong các buổi đối thoại, làm việc giữa DN và CN. Đơn cử như lớp học kỹ năng tại Công ty TNHH Dinsen Việt Nam. Học viên là tổ trưởng, tổ phó, CN trực tiếp sản xuất. Dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thị Xuân Mai, phó phòng nhân sự (phụ trách đào tạo), học viên ngồi bàn tròn, ăn bánh, uống nước và thoải mái tranh luận. Đại diện tổ bảo trì đưa ra ý kiến chỉnh máy theo ý của CN thì quản lý không đồng ý; nâng máy móc theo ý quản lý thì nhiều CN khó làm việc. Các tổ sản xuất khác cũng thừa nhận thực trạng CN và quản lý người nước ngoài không hiểu nhau thường diễn ra.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, công ty xây dựng mô hình đào tạo theo phương thức đối thoại, chia sẻ. Phòng nhân sự mời đại diện quản lý tham dự, ghi nhận và góp ý phương pháp giải quyết vấn đề cho nhân viên. Do chưa có điều kiện mở các lớp dạy kỹ năng chuyên sâu, công ty chỉ đưa các nội dung như kỹ năng sống, văn hóa DN, cách ứng xử khi hoạt động nhóm… vào khóa học cho CN. Bà Phạm Thị Tình, phó khoa chuyền may (quản lý người Việt có chức vụ cao nhất tại xưởng), cho biết những ý kiến của CN được bà ghi nhận, chuyển đến ban giám đốc và trong vòng 1 tuần sẽ có phản hồi cho CN. “Lớp học này giúp NLĐ biết thêm về cách sinh hoạt nhóm, mạnh dạn đưa ra chính kiến” - bà Tình nhận xét.
Trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công nhân
Bà Trần Thị Dung, cán bộ CĐ cơ sở Công ty TNHH Kollan Việt Nam (KCX Linh Trung 1, TP HCM), cho biết trước khi ký hợp đồng, phòng nhân sự đã làm việc với từng CN về nội quy, chế độ phúc lợi… NLĐ có thể gửi gắm mọi thắc mắc, bức xúc, tâm tư đến lãnh đạo DN thông qua các tổ chức đoàn thể. Mặc dù là DN nước ngoài nhưng thông tin thời sự, chủ trương, đường lối của nhà nước đều được các phòng, ban cập nhập và truyền đạt đến từng CN. Do vậy, CN đã có kiến thức và kỹ năng cần thiết để phối hợp với DN giải quyết khi xảy ra sự vụ đột xuất.
Bình luận (0)