Sau gần 2 tháng chuẩn bị, Hội thi
Người đoạt giải nhất, nhì đều chưa có việc làm ổn định
Ban Tổ chức hội thi cho biết, hơn 2/3 trong số 46 thí sinh dự thi thuộc khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và học viên của các trung tâm dạy nghề. Do vậy, trình độ của các thí sinh không đồng đều: Có người giỏi thực hành nhưng điểm thi lý thuyết thấp, ngược lại cũng không ít thí sinh điểm lý thuyết cao nhưng thực hành lại lọng cọng, thiếu chính xác. Anh Nguyễn Văn Tím, giải nhất môn sửa tivi, đã có 8 năm làm thợ sửa chữa ti vi cho một cửa hàng điện tử ở chợ Nhật Tảo, quận 10, cho biết, trước đây, anh học nghề điện tử tại Trung tâm Dạy nghề quận 5. Ra nghề, đi làm thợ. Hiện nay, dù có tháng thu nhập 1,2 triệu - 1,5 triệu đồng, nhưng cuộc sống còn bấp bênh vì việc làm lúc có lúc không.
Còn với Hà Trí Hào, giải nhất môn sửa video, khó khăn lại ở góc độ khác: Ở phần thi thực hành, anh đạt điểm tối đa nên được cộng thêm 5 điểm. Song, phần thi lý thuyết lại bị điểm thấp vì hạn chế về ngôn ngữ (anh là người Hoa, sử dụng tiếng Việt chưa rành). Anh Hào cho biết, do gia đình anh khá giả, nên trước mắt, vấn đề việc làm không bức xúc lắm, nhưng về lâu dài, cũng phải tự lập. Do đó, anh có ý định học thêm nghề sửa chữa điện thoại di động để có thể tự lo cho cuộc sống của bản thân sau này.
Nhiều thí sinh đoạt giải cũng băn khoăn vì chưa có nghề nghiệp ổn định. Anh Đinh Thành Hưng, giải nhì môn sửa video, than: “Nghề sửa tivi, video ngày nay không còn thịnh hành như trước. Muốn sống được với nghề, phải học tập, nắm bắt được tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhưng điều đó, đối với chúng tôi rất khó vì trước mắt còn phải bươn chải kiếm sống”.
Không có chỗ thi thố tay nghề
Ôm phần thưởng trên tay, anh Nguyễn Văn Tím thổ lộ: “Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến việc có thể mở được cửa hàng sửa chữa điện tử. Chỉ mong có được việc làm ổn định”. Đồng cảm với suy nghĩ đó, bà Trương Thị Cẩm Lai, Chủ tịch LĐLĐ quận 5, trăn trở: “Được công nhận tay nghề, bậc thợ cao, nhưng xin việc làm không dễ, có việc làm rồi cũng chưa chắc ổn định lâu dài vì hiện nay nhiều doanh nghiệp không có nguồn hàng ổn định; mặt khác, nhiều doanh nghiệp ngành điện tử chỉ chuyên gia công, lắp ráp nên khó có chỗ cho thợ giỏi thi thố tay nghề”.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những kết quả đã đạt được qua hội thi. Bà Phạm Thị Nghĩa, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 3, nhìn nhận: “Cái được lớn nhất qua hội thi là các thí sinh đã có dịp cọ xát, thi thố tài năng, nhận ra mặt mạnh, yếu của mình nhằm tiếp tục hoàn thiện chuyên môn, tay nghề”. Còn Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 5, bà Đặng Thị Minh Phượng, lại hy vọng: “Việc trao giải, công nhận tay nghề bậc thợ cho các thí sinh sẽ góp phần đưa họ đến gần những cơ hội việc làm”.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, đánh giá: “Việc phối hợp tổ chức cuộc thi tay nghề thợ giỏi ngành điện tử của các đơn vị là một sáng kiến hay, tạo cơ hội cho những người thợ ở khu vực ngoài quốc doanh giao lưu trao đổi kinh nghiệm”. Ông Mai Đức Chính cũng lưu ý, khi chuyển sang cơ chế thị trường, chất lượng lao động là một trong những đảm bảo mang tính sống còn của các doanh nghiệp. Điều đó đòi hỏi người lao động muốn đứng vững, không có con đường nào khác là phải thường xuyên học tập, rèn luyện nâng cao tay nghề, chuyên môn. Đối với các đơn vị tổ chức, phải làm sao cho hội thi không chỉ là một sân chơi mà là nơi tôn vinh những người thợ giỏi, giúp họ có được việc làm, thu nhập ổn định. Đây cũng chính là điều mà thí sinh đoạt giải ba Nguyễn Anh Tú đã bộc bạch: “Chúng tôi mong muốn có được việc làm ổn định không chỉ cho bản thân mà còn là đóng góp cho sự phát triển của thành phố, của đất nước”.
Bình luận (0)