Cơ sở của tôi tuy nhỏ nhưng cập nhật xu thế thời trang rất nhanh. Chịu khó quan sát, thăm dò ý kiến khách hàng, thêm một chút sáng tạo là sẽ có sản phẩm mới, đáp ứng được nhu cầu của thị trường” - chị Nguyễn Thị Hồng - chủ cơ sở kẹp tóc Hồng Nghĩa tại quận 4, TP HCM - tự hào khoe.
Thất bại không nản
“Nhớ lại khoảng thời gian ấy, tôi còn ngán ngẩm, vợ chồng thất nghiệp trong khi con còn quá nhỏ. Để có đồng vô đồng ra, vợ chồng tôi làm đủ nghề, từ đan áo, móc len, dệt vải đến chở hàng thuê...” - chị Hồng kể. Trong cảnh giật gấu vá vai ấy, chị nảy sinh ý tưởng tận dụng những đoạn len vụn, móc thành những chiếc cột tóc rồi đem bán cho bà con lối xóm.
Khi sản phẩm được nhiều người đón nhận, vợ chồng chị Hồng mừng rơn. Ý định khởi nghiệp từ nghề làm kẹp tóc cũng bắt đầu manh nha. Tìm nguồn len, chị tự tay móc kẹp tóc và đem ra các chợ gần nhà chào hàng. Từ chiếc cột tóc bằng len, chị chuyển qua làm kẹp tóc, băng đô, cột tóc bằng vải.
Không ai chỉ dạy, chị Hồng phải mày mò làm. Kinh nghiệm chưa nhiều nên sản phẩm liên tục bị hư, làm hư đến 3-4 cái mới được một cái. Nhiều khi đem sản phẩm đi chào, bị chủ cửa hàng chê đường may vụng, kiểu dáng không hợp thời, vợ chồng chị rất rầu rĩ. Chịu khó bỏ công thăm dò thị trường và liên tục cải tiến mẫu mã, nỗ lực của vợ chồng chị cũng được đền đáp khi sản phẩm bắt đầu được người tiêu dùng tín nhiệm.
Vốn liếng không nhiều nên chị Hồng phải đến các cửa hàng xin bỏ gối đầu, khi nào bán hết sản phẩm thì đến lấy tiền. Năm 2006, được Hội LHPN phường 2, quận 4, TP HCM cho vay 10 triệu đồng, vợ chồng chị mua máy may, vải vóc, phụ kiện để mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa hết với vợ chồng chị khi nhiều chủ cửa hàng dù bán hết hàng vẫn không trả nợ.
“Có chủ cửa hàng hẹn cuối năm sẽ trả hết tiền nhưng đến hẹn lại tìm cách lẩn tránh, thậm chị quỵt luôn. Vài triệu đồng tiền vốn lúc đó là số tiền khá lớn nên vợ tôi mất ăn, mất ngủ mấy ngày liền, chỉ biết động viên nhau làm lại từ đầu” - anh Đoàn Trung Nghĩa, chồng chị Hồng, tâm sự.
Đồng vợ, đồng chồng
Nếu như lúc mới thành lập, sản phẩm của cơ sở rất đơn điệu thì nay, vợ chồng chị Hồng đã cho ra đời 4-5 mẫu cột, kẹp tóc mới mỗi tháng. Để tăng sản phẩm thêm đa dạng, chị khéo léo kết hợp giữa vải, len và hoa vải, cườm, pha lê... Liên tục cải tiến mẫu mã, luôn tuân thủ tiêu chí “bền và rẻ” nên sản phẩm của cơ sở có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, chiếm lĩnh các chợ, trung tâm thương mại tại TP HCM và nhiều tỉnh, thành.
Nói được, làm được và không lùi bước trước khó khăn chính là bí quyết thành công của chị Hồng. Có lần, một người bạn thân gọi đến đưa xem một mẫu cột tóc của Hàn Quốc và hỏi chị có làm được không. Chị Hồng trả lời không chút đắn đo: “Mình sẽ làm được sản phẩm tương tự với giá thành thậm chí còn rẻ hơn nhiều lần”. Chị mày mò và hoàn thiện sản phẩm trong vài ngày trước sự thán phục của người bạn. Dưới bàn tay khéo léo của chị, sản phẩm đẹp và bắt mắt hơn.
Trong thành công của vợ, anh Nghĩa cũng góp sức không ít. Công việc ổn định cũng là lúc anh sắp xếp thời gian học lấy bằng thợ máy. Nhờ có thêm kiến thức, anh đã mày mò chế tạo chiếc bàn xoay gắn hột xoàn đá lên cột tóc. Chiếc bàn gồm 4 ô tròn, có thể xoay được giúp người thợ dễ dàng thao tác chính xác. Sáng kiến này giúp năng suất của thợ tăng gấp 5-6 lần. Cơ sở ngày càng ăn nên làm ra nên vợ chồng chị có điều kiện lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn.
“Chưa bao giờ tôi nghĩ nghề mà mình theo đuổi sẽ mai một bởi phụ nữ thời nào cũng cần làm đẹp. Mạnh dạn liên tục cải tiến mẫu mã, giữ vững uy tín bằng chất lượng và giá cả hợp lý thì sẽ giữ được khách”- chị Hồng bộc bạch. |
Bình luận (0)