Đến thăm nơi sản xuất và trưng bày các tác phẩm điêu khắc gỗ của nghệ nhân Nguyễn Thị Nghệ (43 tuổi, trú tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) mới thấy hết những nét tinh tế, hài hòa của các bức tượng gỗ rất có hồn. Khách thập phương tham quan cơ sở của chị đều có chung một nhận xét: Mỗi bức tượng thể hiện rõ trạng thái hỉ, nộ, ái, ố, mang theo cả tâm tư của nghệ nhân.
Trót mang lấy nghiệp vào thân
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nhiều đời làm nghề mộc nên từ nhỏ, chị Nghệ đã được tiếp xúc với môi trường toàn gỗ với gỗ. Văng vẳng bên tai lúc nào cũng là tiếng đục đẽo nên chị “mê” cái nghề này lúc nào không hay. “Ngày nào không xuống xưởng mộc của gia đình là tôi cảm thấy thiếu một cái gì đó” - chị kể.
Tan học, rảnh rỗi là cô bé Nghệ tranh thủ kiếm những đoạn gỗ thừa để đục đẽo, biến chúng thành những món đồ chơi cho riêng mình. Trí tưởng tượng phong phú, lại thêm khéo tay nên những món đồ chơi do Nghệ tự làm đã hút hồn lũ bạn cùng trang lứa. Thấy con gái có khiếu thẩm mỹ, lại khéo léo nên cha mẹ bằng lòng cho Nghệ theo nghề chạm khắc gỗ. Cứ thế, sau giờ học ở trường là Nghệ lại ghé xưởng mộc của người anh trai cặm cụi học nghề. Những người thầy đầu tiên hướng dẫn Nghệ thực hiện những thao tác cơ bản trong nghề chính là những người thợ đàn anh ở xưởng. Thời gian đầu học nghề, do chưa quen với công việc nặng nhọc vốn chỉ dành cho nam giới nên Nghệ gặp khó khăn không ít. Bàn tay đôi lúc rướm máu vì thao tác sai. Tuy nhiên, đam mê học nghề cùng sự kiên nhẫn cũng giúp Nghệ quen dần với việc đục đẽo. Tốt nghiệp THPT, thay vì thi vào đại học như các bạn cùng trang lứa, Nghệ lại lặn lội làm thuê khắp nơi để có thể lĩnh hội hết tinh hoa của nghề mộc. Nghe ở đâu có thầy giỏi là Nghệ tìm đến xin thọ giáo. Đam mê nghề nghiệp và chí tiến thủ, đặc biệt là đức tính chịu khó của Nghệ đã thuyết phục được nhiều nghệ nhân có tiếng trong vùng. Họ không ngại truyền hết nghề nghiệp cho cô học trò có nghị lực vươn lên hết sức mãnh liệt.
Hun đúc lửa nghề
So với nhiều cơ sở trong vùng, cơ ngơi của chị Nghệ còn khá khiêm tốn, song bù lại những sản phẩm do cơ sở làm ra ăn đứt nơi khác về mẫu mã cũng như chất lượng và tính thẩm mỹ. “Sự khắt khe trong nghề của chị Nghệ là yếu tố làm nên chất lượng sản phẩm và giúp cơ sở giữ được khách. Công nhân ở xưởng học nhiều điều ở chị Nghệ, nhất là cách hun đúc lửa nghề” - anh Huỳnh Văn Trường, một người thợ ở cơ sở chị Nghệ, thổ lộ.
Đối với nghề chạm khắc gỗ, nam giới đã cực, phụ nữ còn vất vả gấp nhiều lần. Những ngày đầu mở cơ sở, do nhân công thưa thớt nên chị làm quần quật từ 8 giờ đến 18 giờ. Tay nghề khéo, lại chịu khó tiếp thị sản phẩm nên tiếng lành đồn xa. 25 năm theo nghề nhưng chị chưa bao giờ thấy nhàm chán với sự lựa chọn của mình. Mỗi tác phẩm hoàn thành luôn đem đến cho chị niềm vui, hạnh phúc. Đó là sự rung cảm của một nghệ nhân yêu nghề, làm vì đam mê, không đơn thuần chỉ là chuyện tiền nong. Chị Nghệ cho biết: “Làm nghề này phải kiên trì, có khiếu thẩm mỹ và óc sáng tạo thì mới cho ra được những sản phẩm độc đáo, mới lạ. Bên cạnh đó, cần phải có kiến thức lịch sử, nguồn gốc, thân thế, xuất xứ của từng nhân vật thì mới thể hiện sống động được”. Cách chị truyền lửa nghề cho thợ trẻ và phần hồn của những bức tượng gỗ đã nói lên đam mê nghề nghiệp ở phụ nữ này. Theo chị, chất liệu chế tác tượng gỗ chỉ là điều kiện cần, còn nghệ nhân phải tự tìm tòi cách thể hiện, tạo dáng thế nào cho hợp lý và để tác phẩm thêm sinh động. Một bức tượng điêu khắc trên gỗ có hàng trăm chi tiết cần phải thể hiện chính xác, mỹ thuật. Để làm được một bức tượng cao 1 m, thợ giỏi mất khoảng 10-15 ngày để hoàn thiện. Khó nhất vẫn là việc “thổi hồn” cho bức tượng. “Cảm hứng sáng tạo là khác nhau nên mỗi bức tượng sẽ có nét độc đáo riêng. Tuy nhiên, mỗi bức tượng không chỉ tuân thủ theo quy luật âm dương - ngũ hành mà còn phải có bố cục chặt chẽ về kích thước và tính thẩm mỹ” - chị Nghệ bộc bạch.
Chị Nghệ cho biết trong tương lai, nếu có điều kiện thì sẽ mở lớp đào tạo con em có hoàn cảnh khó khăn nhằm giúp các em một nghề nuôi sống bản thân, góp phần gìn giữ nghề truyền thống.
Bình luận (0)