Trong những ngày tháng 4 sôi sục cách đây 40 năm, hoạt động công vận và phong trào công nhân (CN) Sài Gòn - Gia Định không chỉ góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mà còn là một trong những lực lượng đi đầu ra sức bảo vệ nhà máy, xí nghiệp để chuẩn bị cho công cuộc tái thiết, xây dựng TP sau giải phóng. Không khí hào hùng đó được LĐLĐ TP HCM tái hiện trong chương trình giao lưu “Thời khắc tháng 4 lịch sử” giữa cán bộ công vận, Công đoàn (CĐ) hưu trí, các CN đã trực tiếp bảo vệ nhà máy, xí nghiệp và cán bộ CĐ, CN tiêu biểu tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động TP vào chiều 26-4.
Vỡ òa hạnh phúc
Mái tóc đã pha sương nhưng giọng nói vẫn còn sang sảng, ông Hà Tăng, nguyên cán bộ công vận Ban Hoa vận quận 6, nhớ lại từng chi tiết của những ngày tháng 4 cách đây 40 năm.
Ông Tăng kể lúc 9 giờ ngày 30-4-1975, ông huy động lực lượng mang theo vũ khí, truyền đơn, cờ, loa phóng thanh và con dấu đến gõ cửa nhà các khóm trưởng vận động quy hàng, giao nạp vũ khí để được cách mạng khoan hồng. Khí thế cách mạng hừng lúc ấy khiến kẻ địch run sợ và đầu hàng vô điều kiện.
“Những ngày đó, dân đói nên tràn vào phá kho lúa, đội ngũ cán bộ công vận tiếp tục đứng ra vận động nhân dân bình tĩnh bởi đây là tài sản của cách mạng và của dân, sẽ được phân phát cho bà con. Đúng 12 giờ ngày 30-4, Ủy ban Cách mạng lâm thời quận 6 tuyên bố thành lập. Đêm đó, chúng tôi mất ngủ vì quá hạnh phúc, thức suốt đêm để trao đổi với nhau biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân” - ông Tăng xúc động.
Nhớ lại không khí của những ngày này, bà Đặng Thị Hiền, người đầu tiên tiếp quản trụ sở Liên đoàn Lao công (số 14 Lê Văn Duyệt, nay là 14 Cách Mạng Tháng Tám - trụ sở của LĐLĐ TP HCM), không khỏi bồi hồi. “Khi nghe quân ta tiến sắp đến Sài Gòn, tôi và chị em phân công nhau đi chợ để mua đủ vải màu về may cờ. Suốt các đêm 27, 28-4, chúng tôi thức vẽ khẩu hiệu, băng rôn chào mừng quân giải phóng, chào mừng Chính phủ Cách mạng lâm thời. Sáng 30-4, loa phát tin đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi cùng anh chị em đến trụ sở 14 Lê Văn Duyệt tiếp nhận và treo cờ cách mạng” - bà Hiền nhớ lại.
Mưu trí bảo vệ tài sản
Trong ngày 30-4 lịch sử, Ban Công vận Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã có những chỉ đạo sáng suốt để bảo đảm cho TP không một giờ mất điện, mất nước.
Ông Võ Thành Đô - nguyên cán bộ công vận, người phụ trách CN các nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt là nhà máy điện, nước - kể tối 29-4, toán trưởng của nhà máy điện họp CN lại, thông báo nếu không bảo vệ được thì phải phá hủy nhà máy. Lường trước được âm mưu này, CN Võ Văn Hiên đứng lên tuyên bố dõng dạc phải bảo vệ nhà máy, bảo đảm sản xuất điện phục vụ cho dân. Hành động dũng cảm ấy của CN đã giúp việc tiếp quản nhà máy của bộ đội vào sáng 30-4 diễn ra suôn sẻ.
Đến giờ, bà Huỳnh Thị Kiều, nữ CN đầu tiên tiếp nhận Nhà máy Dệt Sicovina (nay là Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú), vẫn còn nguyên cảm giác hồi hộp xen lẫn hạnh phúc. “Thời điểm ấy, công tác công vận cực kỳ khó khăn vì nhà máy tiếp nhận nhiều thương phế binh của ngụy, chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể mất mạng. Bằng sự khôn khéo, tôi và các anh chị em CN có người thân theo cách mạng cùng nhau tuyên truyền, vận động CN phải bảo vệ cho bằng được tài sản nhà máy. Sáng 30-4, chúng tôi tiếp tục thuyết phục bảo vệ nhà máy mở cửa rồi hạ cờ địch xuống, treo cờ cách mạng lên. Cảm giác hạnh phúc lúc ấy thật trọn vẹn” - bà Kiều bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng,Phó Bí thư Thành ủy TP HCM:
Kiên trì bám dân, bám nhà máy
Với bản chất cách mạng kiên cường, luôn hướng về cách mạng, các cán bộ công vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã bền bỉ, kiên trì bám dân, bám nhà máy để tuyên truyền, vận động giác ngộ CN, xây dựng lực lượng cách mạng trong CN, xây dựng “căn cứ trong lòng dân” vững chắc cho cách mạng.
Bình luận (0)