Chưa hết Tết nhưng cơ sở hành phi Bạch Mai (tổ 10, ấp Tân Định, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi - TPHCM) của anh Bùi Văn Bạch đã nhộn nhịp trở lại. Công nhân đang thi nhau lột vỏ hành, tỏi để kịp đưa vào máy bào trước khi đem phi vàng. Mùi thơm của tỏi, hành lan tỏa khắp xóm.
Ấm áp tình Xuân
Trong không khí tất bật, chị Nguyễn Thị Thảo, ngụ xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, cho biết: “Tết này, gia đình tôi có một mùa xuân trọn vẹn bởi ông chủ không chỉ thưởng cho tôi sau một năm làm việc mà còn tặng nhiều quà Tết. Nhờ thế mà gia đình tôi có thêm nhiều niềm vui, ấm áp hơn trong những ngày đầu năm mới”.
Gần 10 năm gắn bó với nghề lột vỏ hành, tỏi, chưa bao giờ chị Thảo có ý định từ bỏ công việc của mình. Trái lại, Thảo càng yêu hơn mùi hành, tỏi đã gắn bó với chị trong quãng thời gian dài. Trước đây, Thảo từng làm công nhân nhưng công việc đòi hỏi giờ giấc cố định nên chị không thể lo cho gia đình, nhất là việc đưa đón 2 con. “Khi tôi chuyển về cơ sở làm việc, biết tôi có con nhỏ, ông chủ rất thông cảm. Cứ chiều đến là anh ấy nhắc tôi đón con, lo cho con. Những lúc gia đình tôi khó khăn, anh ấy còn giúp đỡ rất nhiều” - chị Thảo xúc động.
20 năm gắn bó với… hành
Khó khăn lắm chúng tôi mới nhận ra ông chủ Bùi Văn Bạch trong số những người đang làm việc tất bật tại cơ sở. Với chiếc rây trên tay, anh đang cùng công nhân cho hành vào chảo dầu đang sôi để thực hiện công đoạn phi vàng. Khi hành chuyển sang màu vàng đều, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt, anh dùng chiếc rây to để vớt ra. Sau khi để cho hành nguội, anh lại đưa vào máy quay ly tâm để tách dầu. Anh cho biết làm như thế hành sẽ vàng và giòn, để lâu không bị hư. Nhìn những lát hành phi vàng rụm có mùi thơm đặc trưng được đóng gói trước khi xuất xưởng, tôi càng hiểu vì sao anh lại gắn bó với gia vị này gần 20 năm qua.
Gia đình anh Bùi Văn Bạch vốn có nghề truyền thống làm hủ tiếu, bánh ướt. Chính nghề truyền thống của gia đình đã đưa anh đến với nghề làm hành phi. Anh kể: “Gia đình tôi có người dì bán bánh ướt ở chợ. Thấy bánh ướt trong không ngon nên tôi thử phi hành cho vào bánh. Không ngờ, nhiều người ăn khen ngon. Tôi bắt đầu sản xuất hành phi từ đó”.
Xuất khẩu gia vị
Theo anh Bạch, muốn hành ngon phải chọn loại thật già, củ trơn bóng. Anh thường chọn hành ở Sóc Trăng, Phan Rang hay Hà Nội. Sau khi lột vỏ, rửa sạch, hành được đem đi xắt mỏng, tẩm một ít bột mì trước khi đem chiên vàng hoặc sấy. Kỹ thuật chiên cũng lắm công phu, phải canh lửa cho đều để hành không bị khét. Yếu tố quyết định cho hành phi thơm ngon, đạt chất lượng còn phụ thuộc vào dầu chiên. “Phải chọn loại dầu ngon, không lẫn tạp chất. Sau khi chiên khoảng 5 giờ là không được sử dụng lại mà phải thay dầu khác”. Chính điều này đã làm cho hành phi của anh Bạch không chỉ thơm ngon, chất lượng mà còn đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn.
Đến nay, cơ sở hành phi Bạch Mai không chỉ cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước mà còn xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Đài Loan… Không dừng lại ở việc sản xuất hành phi, anh Bạch còn chế biến cả tỏi, sả, ớt, nghệ, gừng để xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, cơ sở của anh xuất khẩu hơn 100 tấn hành phi và các loại gia vị khác, giải quyết việc làm cho 12 lao động với mức lương gần 3 triệu đồng/người/ tháng và vài chục hộ gia công.
Anh Bùi Văn Bạch cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ xây dựng hành phi Bạch Mai thành một thương hiệu mạnh. Ngoài việc bảo đảm an toàn, vệ sinh, hành phi còn đạt tiêu chuẩn vi sinh khi cung cấp sản phẩm sang thị trường các nước”. |
Bình luận (0)