Sáng 15-7, Tổng LĐLĐ Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017) và khánh thành giai đoạn 1 Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì biển đảo Tổ quốc. Gần 300 đại biểu từ các tỉnh, thành, thân nhân, cựu chiến binh đã có mặt tại sự kiện ý nghĩa này.
Về đây với anh em nghen con!
Khi tham quan Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, tận mắt thấy các kỷ vật, ảnh chân dung các anh hùng, chiến sĩ hy sinh ở đảo đá Gạc Ma, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 14-3-1988, nhiều thân nhân của họ đã không cầm được nước mắt.
Lặn lội từ Quảng Bình vào Khánh Hòa để chứng kiến ngày khánh thành khu tưởng niệm, bà Võ Thị Á, mẹ liệt sĩ Phạm Văn Tý, chăm chú nhìn vào di ảnh con, cắn chặt môi như để kìm nén tiếng khóc. Thế nhưng, cuối cùng bà vẫn không thể dằn lòng.
"Tý ơi, gần 30 năm rồi, không ngày nào mẹ không nhớ đến con. Con nói là sẽ về mà con đi chi mãi rứa con ơi... Con đi chẳng để lại gì cho mẹ ngoài tấm hình này. Bây chừ có nơi rồi, về đây với anh em để mẹ còn thăm viếng nghen con...." - mẹ Á nấc nghẹn. Nhìn mẹ Á, cả đoàn người như lặng đi. Đâu đó những tiếng sụt sùi, những đôi mắt đỏ hoe.
Cách không xa nơi mẹ Á đứng, bà Hà Thị Liên, mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương (quê Hà Tĩnh), đặt đôi bàn tay sần sùi của một người cả đời lam lũ lên di ảnh con như muốn được chạm vào núm ruột của mình. Cái tuổi 87 đã không ngăn được bước chân của mẹ từ Hà Tĩnh vào đây để đón anh linh của con về khu tưởng niệm. Mắt giờ đã mờ, vì vậy mà mẹ phải cúi sát vào di ảnh để nhìn rõ mặt con. Dường như không còn nước mắt, đôi môi khô của mẹ rung lên bần bật: "Thằng Cương! Con mẹ đây rồi...".
Mẹ Hà Thị Liên khóc thương bên di ảnh con trai
Chứng kiến tình cảm bao la của các mẹ dành cho đồng đội đã hy sinh của mình, thượng úy Nguyễn Sĩ Minh (quê Nghệ An, nguyên công tác ở Tiểu đoàn 887, E83 công binh - người trực tiếp đem vật liệu ra đảo đá Gạc Ma vào ngày 14-3-1988) xúc động: "Trước khi đi, mình đã dặn lòng phải hết sức kìm nén, đừng quá xúc động. Vậy mà sao nước mắt mình cứ trào ra, tay chân cứ run lên thế này". Anh vội quay đi để giấu những giọt nước mắt.
Biểu tượng của lòng yêu nước
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, thay mặt Đoàn Chủ tịch đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh ra những người con ưu tú của dân tộc. Ông cũng cảm ơn các anh chị thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ có công với đất nước.
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tặng quà cho các thân nhân liệt sĩ
Ông Trần Thanh Hải cho biết sau hơn 2 năm triển khai thực hiện với tinh thần khẩn trương, tâm huyết, trách nhiệm, Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã hoàn thành giai đoạn 1. Công trình được dựng lên như biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta, biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc Việt Nam với khát vọng giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
"Thật hiếm có công trình tưởng niệm nào mà ngay từ buổi đầu tiên đã tiếp nhận được biết bao tấm lòng tự nguyện của các tổ chức, cá nhân về thiết kế, kiến trúc, điêu khắc… Thật hiếm có công trình tưởng niệm nào chưa hoàn thành nhưng nhiều thân nhân, đồng đội, người dân đã đến viếng thăm. Có thể nói, đây là một công trình của sự hội tụ những tấm lòng luôn hướng về 64 bông hoa biển bất tử của dân tộc" - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Theo Ban Quản lý Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, ở giai đoạn 1, khu tưởng niệm rộng 2,5 ha đã hoàn thành 2 phần chính. Phần 1 là cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" với "vòng tròn bất tử" cao trên 15 m có 9 hình tượng các chiến sĩ; thể hiện tinh thần hiên ngang, bất khuất của những người lính sẵn sàng xả thân để bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Phần 2 là khu trưng bày ngầm lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma; khu quảng trường Hòa Bình, khu Mộ gió của 64 liệt sĩ với đầy đủ họ tên, địa chỉ…
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa và các đại biểu cắt băng khánh thành Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Ra mắt "Những người nằm lại phía chân trời"
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và khánh thành Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa vừa ra mắt tập sách ảnh "Những người nằm lại phía chân trời".
Tập sách có hơn 150 bức ảnh cảm động, phần nào khắc họa tình cảm của người dân cả nước hướng về những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh để bảo vệ Gạc Ma năm xưa. Tập sách ảnh được chia làm 3 phần, gồm: "Mệnh lệnh của trái tim", "Khắc ghi một trang bi tráng" và "Những người nằm lại phía chân trời".
Bình luận (0)