Theo ước tính của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cả nước có khoảng trên 80.000 người lao động (NLĐ) nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó đa số được cấp giấy phép lao động (chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động).
Sau 3 tháng kể triển khai khi Nghị định số 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đã có trên 64% lao động thuộc đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, việc thu BHXH bắt buộc đối với đối tượng này vẫn còn vướng, chẳng hạn như xác định đối tượng.
Theo phân tích của chuyên gia, NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động, hoặc chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam. Cũng có nhiều trường hợp không phải đóng BHXH. NLĐ di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (DN) không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.
NLĐ nước ngoài di chuyển trong nội bộ DN là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một DN nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ DN sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.
Lao động người nước ngoài làm việc tại Công ty TNHH MTV Cao su Bến Thành . Ảnh: HỒNG NHUNG
Trường hợp có thư bổ nhiệm, không có giấy phép lao động thì không đóng BHXH bắt buộc. Với NLĐ nước ngoài đã đủ tuổi nghỉ hưu thì không đóng BHXH, nhưng phải đóng bảo hiểm y tế nếu giao kết hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên hoặc làm việc với chức danh quản lý và có hưởng tiền lương. NLĐ nước ngoài hưởng lương rất cao, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mức lương tháng làm cơ sở đóng BHXH tối đa không quá 20 lần lương cơ sở (lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng).
NLĐ là công dân nước ngoài đến Việt Nam làm việc từ rất nhiều quốc gia với nhiều ngôn ngữ khác nhau, trên hồ sơ, giấy tờ tùy thân chỉ có chữ viết nước ngoài dẫn đến khó khăn trong giao dịch BHXH. Bên cạnh đó, là khả năng đóng trùng. NLĐ nước ngoài sang Việt Nam làm việc có thể đã tham gia BHXH tại nước sở tại và ngược lại.
Theo Ban Thu BHXH Việt Nam, để khắc phục điều này, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH đàm phán, ký kết các hiệp định song phương về BHXH để tránh tình trạng đóng trùng BHXH.
Theo quy định tại Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, từ ngày 1-12-2018, NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đây là lần đầu tiên pháp luật của Việt Nam có quy định về thực hiện BHXH bắt buộc đối với công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Tham gia BHXH bắt buộc, NLĐ nước ngoài cũng được hưởng đầy đủ 5 quyền lợi BHXH như NLĐ trong nước với cùng mức đóng. Tuy nhiên, mức hưởng và mức đóng sẽ theo lộ trình: 3 chế độ ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) thực hiện trước và 2 chế độ hưu trí, tử tuất, cụ thể thực hiện sau:
Từ ngày 1-12-2018 đến ngày 31-12-2021, hàng tháng người sử dụng lao động đóng toàn bộ bằng 3,5% tiền lương tháng đóng BHXH vào quỹ ốm đau, thai sản và quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN.
Từ ngày 1-1-2022 trở đi, đóng bằng 25,5% tiền lương tháng đóng BHXH vào các quỹ ốm đau, thai sản, quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN, quỹ hưu trí và tử tuất; trong đó, người sử dụng lao động đóng bằng 17,5%, NLĐ đóng bằng 8%.
Bình luận (0)