Đây là năm thứ 4 liên tiếp, người đứng đầu Chính phủ có cuộc đối thoại với công nhân (CN) để lắng nghe và chia sẻ những mong muốn của đội ngũ công nhân lao động trong quá trình hội nhập và phát triển.
Chương trình có sự hiện diện của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện các bộ, ban, ngành và 1.000 công nhân (CN), lao động kỹ thuật cao của các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm và 16 ngành kinh tế kỹ thuật cao của đất nước.
Đây là diễn đàn để người đứng đầu Chính phủ gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, hiến kế cũng như thấy được sự đóng góp quan trọng của đội ngũ công nhân (CN), lao động kỹ thuật cao với sự phát triển của doanh nghiệp (DN), địa phương, ngành và đất nước; cũng là dịp để đoàn viên, CN, lao động được đón nhận thông điệp của Chính phủ gửi tới người lao động (NLĐ) cả nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5, kỷ niệm 129 năm ngày sinh nhật Bác và Tháng CN năm 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, tham quan một gian hàng sáng tạo
Cuộc gặp gỡ này một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với CNLĐ; khẳng định CĐ đồng hành vì quyền lợi bảo đảm, phúc lợi tốt hơn cho NLĐ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan một gian hàng sáng tạo
Đặc biệt, trong bối cảnh Đảng, nhà nước, Chính phủ đang có những nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới cũng như không để tụt lại phía sau con tàu công nghệ 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tham quan một gian hàng sáng tạo
Trước khi vào hội trường, Thủ tướng và các đại biểu đã tham quan các mô hình cải tiến công nghệ đặc sắc do CN lao động TP HCM thực hiện.
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, phát biểu khai mạc chương trình
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh: "Bốn năm trước, cũng tại mảnh đất phía Nam thân thương của Tổ quốc, 5.000 CN lao động đã không hẹn mà gặp Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi đồng chí bắt đầu nhiệm kỳ mới của mình. Kể từ đó, với thông điệp "Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp", Thủ tướng đã 4 lần gặp gỡ, đối thoại và kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật với công nhân, lao động. Nhiều chính sách, nhiều tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công nhân, lao động đã được Thủ tướng chia sẻ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện".
Theo ông Cường, hằng năm, Chính phủ thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình. Mới đây, Thủ tướng phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm triển khai biện pháp cải thiện, nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp và các ngành sản xuất; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng và ban hành đồng bộ các chính sách xã hội, bao gồm chính sách hỗ trợ về tài chính, dạy nghề để chuyển đổi nghề nghiệp; cung cấp các dịch vụ tư vấn việc làm... để giúp người lao động bị mất việc làm do các doanh nghiệp không đứng vững được trong quá trình cạnh tranh…
Nhất là năm qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành liên quan, CN lao động trong các khu nhà trọ đã được hưởng giá điện như hộ gia đình; vấn đề trật tự, an toàn, an ninh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất được đảm bảo, công nhân lao động được trang bị, tăng sức đề kháng trước nạn tín dụng đen hoành hành.
Đồng hành với Chính phủ, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, đột phá, quyết liệt trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước. Chương trình "Phúc lợi đoàn viên Công đoàn" tiếp tục được tập trung thực hiện, có 564 thỏa thuận hợp tác được ký mới, 1,9 triệu đoàn viên được hưởng lợi với số tiền gần 750 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm trước. Thực hiện Đề án do Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 665/QĐ-TTg ngày 17.5.2017 về "Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất", trong năm qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tích cực làm việc với 33 tỉnh, thành phố để thống nhất xong quỹ đất, thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư thiết chế Công đoàn. Đồng thời, triển khai xây dựng thí điểm tại 3 địa phương gồm Hà Nam, Tiền Giang và Quảng Nam, dự kiến đến ngày 30-8-2019 sẽ bàn giao 500 căn hộ đầu tiên cho đoàn viên là công nhân lao động. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các dự án thí điểm, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ đại trà trên cả nước theo đúng tiến độ tại Đề án.
"Trong bối cảnh Đảng, nhà nước, Chính phủ đang có những nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới cũng như không để tụt lại phía sau con tàu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn thế giới thì cuộc gặp gỡ lần này với người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với công nhân lao động; khẳng định Công đoàn Việt Nam, người lao động đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển đất nước nhanh, bền vững đồng thời thực hiện an sinh xã hội, quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên, người lao động"- ông Cường bày tỏ,
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tổ chức Công đoàn và CN lao động kỹ thuật cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là một cuộc gặp gỡ quan trọng. "Tháng 5 là tháng CN, mà CN bậc cao là động lực để phát triển đất nước. Đây là dịp các cơ quan Chính phủ, địa phương lắng nghe nhiều hơn CN bậc cao. Đề nghị các đơn vị có liên quan được mời trao đổi thẳng thắn để Chính phủ nghe được những tiếng nói từ những người trực tiếp có tay nghề cao, qua đó có những chính sách phát triển nguồn nhân lực nói chung và nhân lực chất lượng cao nói riêng. Phát triển đất nước không thể chỉ dựa vào lao động giá rẻ mà còn là vốn, công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, nhân lực bậc cao quyết định năng suất lao động, là động lực quan trọng, yếu tố then chốt. Chúng tôi muốn lắng nghe và hiến kế từ các bạn, cũng như kiến nghị các cơ chế chính sách. Các bộ trưởng, doanh nghiệp (DN), trường học phải trả lời trực tiếp các vấn đề đặt ra. 43 kiến nghị ở đây rất "nặng ký", là tiếng nói từ trái tim và khối óc của các bạn. Đây là khích lệ rất lớn với Chính phủ trong sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
7 nhóm đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam gởi đến Thủ tướng Chính phủ
1. Nhóm kiến nghị về thuế thu nhập cá nhân đối với thợ mỏ ngành Than, của thuyền viên ngành Hàng hải và công nhân, lao động kỹ thuật cao ngành Dầu khí.
2. Nhóm kiến nghị về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của thuyền viên ngành Hàng hải, của công nhân mỏ ngành Than.
3. Nhóm kiến nghị về chế độ lương các ngành Hàng Hải, Hàng không, ngành Thép, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội.
4. Nhóm kiến nghị về điều kiện làm việc của công nhân mỏ, của các y, bác sỹ, công nhân ngành thép, ngành Hàng không.
5. Nhóm kiến nghị về nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân, lao động kỹ thuật cao.
6. Nhóm kiến nghị về chính sách đào tạo công nhân, lao động kỹ thuật cao.
7. Nhóm kiến nghị về chính sách phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao.
Anh Đinh Đăng Toàn, Công ty CP Quốc tế Phong phú, chia sẻ: "Một số ngành nghề đặc trưng mà ngành giáo dục chưa đáp ứng. Kỹ thuật viên nhiều ngành nghề phải thuê nước ngoài, tốn nhiều tiền trả lương. Nhân lực Việt Nam chỉ tự thân học hỏi kinh nghiệm là chính chứ không được đào tạo bài bản. "Ngành Giáo dục phải xem xét, hoàn thiện quy trình đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều khi CN phải bỏ tiền túi ra để thực hiện sáng kiến cải tiến nhưng chính sách khen thưởng chưa phù hợp, điều này không tạo động lực cống hiến cho CN"- anh Toàn bày tỏ.
Công nhân là đại biểu phát biểu ý kiến tại chương trình
Cùng suy nghĩ ấy, anh Nguyễn Xuân Quang, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, cho rằng việc đổi mới đào tạo CN, nhất là CN chất lượng cao là cần thiết. Việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp, chúng ta đã làm nhưng chưa đi vào thực chất. Trong khi đó, hệ thống quản lý điều khiển mỗi ngày 1 phức tạp. Do vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần có chính sách tạo điều kiện cho người CN nâng cao trình độ.
Ghi nhận ý kiến trên, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết Bộ đang hoàn thiện đề án đổi mới nâng cao chất lượng nghề nghiệp theo hướng dự báo tốt về nhu cầu thị trường, giảm lý thuyết và tăng thực hành, tập trung đào tạo mới và đào tạo lại cho những người như CN có nhu cầu. HIện nay, chúng ta đang xây dựng tiêu chuẩn đầu ra cho 160 ngành nghề, lĩnh vực. Ngoài nâng cao chất lượng đào tạo trong nước, Chính phủ cho nhập 34 bộ giáo trình từ Úc và Đức, CN theo học giáo trình này sẽ được công nhận trình độ quốc tế. Trên cơ sở liên thông đào tạo và liên thông chứng chỉ, người lao động có thể làm việc không những trong nước mà còn quốc tế"- ông Dung nói.
Theo ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học quốc gia (ĐHQG) TP HCM, hiện các trường ĐH và ĐHQG TP HCM đang đổi mới chương trình và phương thức đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập và đáp ứng như cầu công nghệ 4.0; gắn đào tạo sát với thực tiễn. Trong 3-5 năm tới, đổi mới này sẽ bắt đầu phát huy hiệu quả. Ông Đạt cũng thừa nhận liên kết nhà trường và DN còn khá lỏng lẻo. Các giảng viên rất muốn đưa nghiên cứu của mình ra thị trường để thương mại hóa nhưng còn gặp nhiều khó khăn.
Chị Trần Thị Lan Anh - Công ty Bóng đèn, phích nước Rạng Đông - thì đề xuất: "Mọi sáng kiến của CN lao động dù nhỏ hay lớn nên luôn được quan tâm nuôi dưỡng. Chính phủ cần xem xét xây dựng những trung tâm để hỗ trợ, làm bệ đỡ cho ý tưởng của CN, biến ý tưởng thành hiện thực.
Cùng suy nghĩ, anh Phan Quang Liền, Công ty CP Dệt may 29-3 (Đà Nẵng), kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho lao động kỹ thuật cao có điều kiện nghiên cứu học tập và nâng cao tay nghề. Theo ông Phan Anh Hây, Công ty TNHH Unilever Việt Nam, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ hình thành thêm 1 lớp CN kỹ thuật cao. Do vậy, Chính phủ cần khuyến khích các DN đầu tư công nghệ cao, kéo theo nhu cầu tuyển dụng và sử dụng CN kỹ thuật cao.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ điện lạnh REE, người dân Việt Nam rất hiếu học, ai cũng muốn vào đại học. Trong khi người Đức rất rõ ràng, họ cần cả kỹ sư, thợ cả, CN… do vậy chúng ta phải phân luồng, hướng nghiệp nhiều hơn nữa. Trong 55 triệu lao động mà chỉ có 10 triệu qua đào tạo là quá khiêm tốn. "Tổ chức Công đoàn nên đứng ra tổ chức trường đào tạo, DN chúng tôi sẽ hết sức ủng hộ và hỗ trợ. Tổ chức CĐ cũng cần tiếp tục quan tâm nâng cao tay nghề, kỹ năng cho CN hiều hơn. Đã gọi là CN kỹ thuật cao thì phải có ngoại ngữ" - bà Thanh góp ý.
Chia sẻ tại chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng DN và các trường cần bắt tay nhau, hợp tác cùng hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhiều DN đã phải tự đào tạo nhân lực cho mình. Nơi nào DN tham gia vào lĩnh vực đào tạo, nơi đó chất lượng tốt. TP có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sẽ quyết tâm thực hiện, hơn 300 tỉ đồng đầu tư cho mảng này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tặng bằng khen cho các công nhân kỹ thuật cao tiêu biểu
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đất nước tăng trưởng nhanh và vị thế tăng cao là nhờ những CN kỹ thuật cao đã tiếp thu, làm chủ sáng tạo nhiều tri thức, công nghệ, đây là đóng góp vô cùng quan trọng của lực lượng này. Phó thủ tướng bày tỏ ấn tượng với những kiến nghị rất tâm huyết của đội ngũ CN kỹ thuật cao tại chương trình. "Chúng ta phải nỗ lực tự học, tự tìm tòi và sáng tạo. Các bạn cần khắc phục hạn chế về kỷ luật công nghiệp và kỹ năng làm việc nhóm. HIện nay, ngày càng nhiều cơ hội và phương tiện để cho chúng ta tự học. Chúng ta đã cố gắng và tận dụng hết chưa?" - Phó thủ tướng nói.
Bình luận (0)