Phóng viên: Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ với 1.000 công nhân (CN), lao động kỹ thuật cao được xem là điểm nhấn của Tháng CN 2019, ông có thể nói rõ hơn mục đích, ý nghĩa của chương trình?
- Ông Bùi Văn Cường: Chủ đề của Tháng CN năm nay là "Mỗi Công đoàn (CĐ) cơ sở - Một lợi ích đoàn viên". Với ý nghĩa ấy và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ CN, lao động kỹ thuật cao tại TP HCM. Đây là diễn đàn để người đứng đầu Chính phủ gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, hiến kế cũng như thấy được sự đóng góp quan trọng của đội ngũ CN, lao động kỹ thuật cao với sự phát triển của doanh nghiệp (DN), địa phương, ngành và đất nước; cũng là dịp để đoàn viên, CN, lao động được đón nhận thông điệp của Chính phủ gửi tới người lao động (NLĐ) cả nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5, kỷ niệm 129 năm ngày sinh nhật Bác và Tháng CN năm 2019.
Cuộc gặp gỡ này một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với CNLĐ, khẳng định CĐ đồng hành vì quyền lợi bảo đảm, phúc lợi tốt hơn cho NLĐ. Đặc biệt, trong bối cảnh Đảng, nhà nước, Chính phủ đang có những nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới cũng như không để tụt lại phía sau con tàu công nghệ 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.
Thợ trẻ tại Xí nghiệp Ôtô Toyota Bến Thành luôn được tạo điều kiện nâng cao trình độ, tay nghề ẢNH: VĨNH TÙNG
. Chủ đề buổi gặp gỡ là "Công nhân, lao động kỹ thuật cao - một trong những động lực phát triển đất nước". Là người đứng đầu tổ chức CĐ Việt Nam, ông có kỳ vọng gì?
- Như chúng ta đã biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến cơ hội cũng như đan xen cả những thách thức, đó là vấn đề việc làm bền vững và bất bình đẳng trong thu nhập... Đồng thời, công việc sẽ đòi hỏi những lao động được đào tạo cơ bản tốt, có tư duy và trí tuệ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn. Trong xu thế hội nhập nói chung, chúng ta cần phải phân biệt, lao động kỹ thuật cao và lao động qua đào tạo. Lao động trình độ cao là những người trực tiếp làm việc tại các vị trí có liên quan mật thiết tới sự ra đời, phát triển, truyền bá và ứng dụng tri thức. Đây là lực lượng có kiến thức, tư duy và kỹ năng để đảm nhận các công việc phức tạp, có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ và vận dụng sáng tạo những kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo trong quá trình lao động sản xuất.
Đầu tư cho lực lượng CN, lao động kỹ thuật cao phải là chuỗi mắt xích: Cơ chế, chính sách từ Chính phủ, sự nỗ lực của DN trong việc đổi mới công nghệ hiện đại, nâng chất lượng đội ngũ lao động, nâng cao năng suất và bản thân những cố gắng từ chính những NLĐ trong việc thích ứng, chủ động để trở thành người có trình độ cao. Do vậy, tại diễn đàn lần này, CN, lao động kỹ thuật cao sẽ đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ về các chính sách phát triển khoa học công nghệ trong CN; các chính sách của DN, của địa phương để phát triển mạnh mẽ lực lượng CN, lao động kỹ thuật cao và chính sách tạo động lực để CN, lao động kỹ thuật cao phát triển bản thân. Đây cũng là dịp để cả hệ thống chính trị, NLĐ nhận thức rõ vai trò, vị trí của CN kỹ thuật cao để từ đó có chính sách phát triển đội ngũ này trong thời gian tới. Tất cả đều kỳ vọng cuộc gặp gỡ này tạo ra những bước ngoặt và yêu cầu thực tế là phải ngay lập tức có hành động, đột phá lấy DN và NLĐ làm trung tâm. Bởi lẽ, muốn đất nước phát triển nhanh, bền vững, năng suất lao động cao hơn thì nhà nước phải có chính sách để đổi mới khoa học công nghệ; DN phải vào cuộc để đổi mới dây chuyền công nghệ, vì như thế đòi hỏi đội ngũ CN, lao động kỹ thuật cao phải phát triển. Do đó, CN, lao động trình độ cao chính là yếu tố có tính quyết định để phát triển bền vững đất nước.
.Công nhân kỹ thuật cao là động lực phát triển của đất nước. Muốn vậy, phải tạo cơ hội nâng cao tay nghề đi kèm chính sách tiền lương, đãi ngộ hợp lý cho lực lượng này. Theo ông, phải làm gì để giải quyết bài toán này?
- Tôi xin trả lời câu hỏi này bắt đầu từ DN. Đa số DN sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu và đây cũng là trở ngại để CN có tay nghề tiếp cận với tri thức và kỹ thuật mới. Để tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm và tay nghề CN, rõ ràng DN không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ. Mua sắm trang hiết bị hiện đại buộc DN phải có lực lượng CN lành nghề để vận hành. Để giải quyết bài toán này, DN phải đầu tư chi phí đào tạo, nâng cao tay nghề cho NLĐ, xây dựng quy trình tuyển dụng bài bản, đặc biệt là có chế độ đãi ngộ tương xứng cho NLĐ.
Điều khiển máy móc hiện đại đồng nghĩa với việc gánh vác trách nhiệm nặng nề, do vậy lực lượng CN kỹ thuật cao thì phải được nhận mức lương và chế độ đãi ngộ tương xứng. Mức lương cào bằng, thiếu chế độ đãi ngộ đặc biệt từ DN cũng như chính sách an sinh xã hội đặc thù sẽ không thể tạo động lực làm việc cho NLĐ.
. Thay đổi công nghệ gắn liền với sự xuất hiện của robot và điều này dẫn đến sự sàng lọc khắt nghiệt trong lực lượng CN. NLĐ phải làm gì để giành lấy cơ hội trong cuộc sàng lọc này?
- Chỉ có NLĐ có tay nghề cao mới có thể đảm trách việc điều khiển máy móc, thiết bị hiện đại. Quy luật này bắt buộc hình thành một lớp CN kỹ thuật cao và đương nhiên CN có tay nghề thấp sẽ bị đào thải. Việt Nam đã và đang trải qua cuộc sàng lọc này. Do vậy, ngay từ khi còn học ở trường nghề, NLĐ phải tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cần thiết để hội nhập và nắm bắt cơ hội khi DN có nhu cầu tuyển dụng. Khi được tuyển dụng vào làm việc, NLĐ phải liên tục cập nhật kiến thức, rèn giũa kỹ năng nghề và tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật để có thể bắt kịp với sự thay đổi về áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất của DN. Ai tự mãn, hài lòng với chính mình thì sẽ bị rớt lại phía sau, thậm chí bị sa thải khỏi nhà máy là điều không thể tránh khỏi.
. Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ có những đề xuất để Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách tạo động lực, hỗ trợ xây dựng và phát triển đội ngũ CN bậc cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư?
- Cùng với những đề xuất trực tiếp của CN kỹ thuật cao tại Chương trình thì Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi tới Thủ tướng bảng đề xuất, kiến nghị gồm 7 nhóm vấn đề được tổng hợp từ hàng ngàn ý kiến của CN, lao động gửi qua các LĐLĐ địa phương, 16 CĐ ngành trung ương, CĐ tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam có CN, lao động kỹ thuật cao tham dự chương trình gặp gỡ với Thủ tướng. Đó là nhóm kiến nghị về thuế thu nhập cá nhân đối với thợ mỏ ngành than, của thuyền viên ngành hàng hải và CN, lao động kỹ thuật cao ngành dầu khí; nhóm kiến nghị về BHXH, BHYT của thuyền viên ngành hàng hải, của CN mỏ ngành than; nhóm kiến nghị về chế độ lương các ngành hàng hải, hàng không, ngành thép, tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội; nhóm kiến nghị về điều kiện làm việc của CN mỏ, của các y, bác sĩ, CN ngành thép, ngành hàng không; nhóm kiến nghị về nâng cao chất lượng cuộc sống CN, lao động kỹ thuật cao; nhóm kiến nghị về chính sách đào tạo CN, lao động kỹ thuật cao; nhóm kiến nghị về chính sách phát triển đội ngũ CN, lao động kỹ thuật cao.
Những đề xuất, kiến nghị trên đều mang tâm huyết của CN kỹ thuật cao, mong muốn Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kịp thời nghiên cứu, triển khai thực hiện.
Anh Nguyễn Tiến Nhứt, Xí nghiệp Ôtô Toyota Bến Thành:
Gắn kết doanh nghiệp, trường nghề
Được chọn tham dự Chương trình gặp gỡ giữa Thủ tướng và CN kỹ thuật cao là vinh dự của cá nhân tôi và nhiều đồng nghiệp khác. May mắn của tôi là được làm việc tại một DN mà việc đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho CN luôn được đặt lên hàng đầu. Điều này giúp người thợ không bỡ ngỡ khi tiếp thu kiến thức mới cũng như cọ xát với kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Nói ra điều này để thấy rằng sự hỗ trợ của DN trong việc nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho CN có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Công nghệ 4.0 đòi hỏi CN phải thường xuyên rèn giũa, nâng cao kiến thức, tay nghề nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Do vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của DN, tự thân CN phải phấn đấu, học hỏi không ngừng, đặc biệt là trang bị kỹ năng mềm. Ở cuộc gặp gỡ lần này, tôi kỳ vọng Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách thiết thực để nâng cao tay nghề cho đội ngũ CN, nhất là CN kỹ thuật bậc cao. Các trường nghề phải bám sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN, nhất là các DN các ngành kinh tế trọng điểm để xây dựng chương trình đào tạo, huấn luyện phù hợp cho CN, giúp họ tự tin khi bắt tay vào việc. Làm tốt điều này thì tiết kiệm chi phí lẫn thời gian để đào tạo lại tay nghề cho CN.
Anh Dương Văn Nhân, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản:
Kết nối sáng tạo
Năm 2018, tôi vinh dự được nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XVIII do LĐLĐ TP HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, đây là giải thưởng ghi nhận những sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất. Nhận được giải thưởng là niềm vinh dự vô cùng to lớn của bản thân cũng như nơi tôi công tác. Theo tôi biết, đây là giải thưởng đã được thành lập hơn 10 năm và số lượng người tham gia và đoạt giải cũng khá nhiều. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài CLB Lao động sáng tạo do LĐLĐ TP thành lập, thì vẫn chưa có trung tâm nào có thể làm cầu nối, tập hợp những kỹ sư, CN tiêu biểu để họ sinh hoạt, trình bày những ý tưởng giải pháp hữu ích của mình. Vì vậy, tôi cho rằng cần thiết phải hình thành một trung tâm hỗ trợ sáng tạo làm sân chơi cho đội ngũ kỹ sư, CN bậc cao, đồng thời có thêm những giải thưởng tôn vinh thợ giỏi như giải thưởng Tôn Đức Thắng để khuyến khích NLĐ phát huy đam mê sáng tạo
Đất nước đang trên đà phát triển theo hướng đầu tư mạnh mẽ công nghệ nên rất cần những người trẻ tuổi có năng lực để đóng góp xây dựng đất nước. Tuy nhiên, rất nhiều bạn trẻ sau khi được đào tạo, đi du học ở nước ngoài xong lại không tha thiết trở về nước làm việc với nhiều lý do khác nhau nhưng đa số là họ cho rằng thu nhập không tương xứng sức lao động, không bảo đảm đời sống, công nghệ chưa hiện đại… Như vậy, theo tôi, để tránh tình trạng chảy máu chất xám, Chính phủ cần có chính sách đãi ngộ để thu hút lực lượng lao động chất lượng cao này về cống hiến cho đất nước.
Anh Phan Văn Hây, Công ty TNHH Quốc tế UNILEVER Việt Nam:
Cần sự hỗ trợ từ doanh nghiệp
Với CN đang làm việc, việc tiếp tục học hỏi thêm, nâng cao tay nghề là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc học cũng khá khó khăn nếu không có được sự hỗ trợ từ phía DN cũng như nhà nước. Theo kinh nghiệm của tôi, DN có thể hỗ trợ, giúp đỡ CN nâng cao trình độ bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, thay vì làm đủ 8 giờ, DN có thể tạo điều kiện cho CN làm việc 7 giờ và dành giờ còn lại để bổ trợ kiến thức, nâng cao tay nghề, nghiệp vụ. Công tác huấn luyện nên được tổ chức theo từng chuyên đề cụ thể, phù hợp với điều kiện làm việc và nhu cầu của CN.
Tôi mong mỏi sau cuộc gặp gỡ lần này, Thủ tướng và các bộ, ngành sẽ có nhiều chính sách thiết thực để hỗ trợ DN, đặc biệt là trong việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại. DN sử dụng thiết bị công nghệ cao đồng nghĩa với việc CN có cơ hội mở mang kiến thức, cọ xát nâng cao tay nghề. Với đội ngũ CN kỹ thuật cao, Chính phủ nên có chính sách trợ vốn để họ có điều kiện nâng cao trình độ nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công việc.
K.An - B.Đằng - T.Nga ghi
Kỳ tới: Vì một thế hệ công nhân tương lai
Bình luận (0)