Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam sáng 28-6
Sáng 28-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam, nhằm đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2016-2017, trọng tâm phối hợp công tác năm 2017-2018.
Tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã thay mặt Đoàn Chủ tịch báo cáo về kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn, nêu nhiều kiến nghị của tổ chức Công đoàn (CĐ) với Thủ tướng.
Cũng tại cuộc làm việc, với 17 kiến nghị của tổ chức CĐ liên quan đến các vấn đề như lương tối thiểu, thời giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu; rà soát điều chỉnh, bổ sung danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; ban hành hướng dẫn thực hiện khoản 7, điều 10, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động (NLĐ) về BHXH; ưu đãi lãi suất vay mua nhà ở xã hội cho công nhân… Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp thu, phối hợp với tổ chức CĐ để xử lý, giải quyết các kiến nghị này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những kết quả mà tổ chức CĐ đã đạt được và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước năm 2016 cũng như 6 tháng đầu năm 2017.
Về đề nghị có chính sách ưu đãi lãi suất vay mua nhà ở xã hội cho NLĐ làm việc tại khu công nghiệp và khu chế xuất, Thủ tướng cho biết thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đầy đủ các văn bản quy định về cho vay nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân. Theo Thủ tướng, Ngân hàng chính sách xã hội dự kiến lãi suất cho vay nhà ở xã hội năm 2017 bằng lãi suất cho vay trong năm 2016 là 4,8%/năm. Tuy nhiên chưa triển khai cho vay được vì khó khăn về vốn.
"Hiện nay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bố trí 1.062 tỉ đồng bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách trên và Văn phòng Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng theo quy định"- Thủ tướng cho hay.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc về vấn đề tiền lương tối thiểu, bà Trần Thị Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho rằng hiện nay hàng năm chúng ta có các phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia để các bên thương lượng về việc tăng lương.
Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Trần Thị Kim Yến phát biểu ý kiến về vấn đề lương tối thiểu
Theo bà Yến, cả NLĐ cũng như các DN luôn dõi theo các phiên họp này từng giờ, từng phút và họ cũng không thể yên tâm. Đối với doanh nghiệp, họ phải nghe ngóng, tính toán xem liệu lương có tăng hay không, tăng bao nhiêu; kế hoạch sản xuất, kinh doanh phải điều chỉnh như thế nào. Còn đối với công nhân lao động, thì cũng băn khoăn không biết lương sẽ tăng như thế nào, và khi mới rục rịch bàn tăng lương thì thị trường cũng rục rịch tăng giá. Như vậy cả hai bên đều không yên tâm.
"Do đó nên tăng lương tối thiểu 3 năm/lần hoặc tốt nhất, ổn định nhất là xây dựng và ban hành Luật Tiền lương tối thiểu"- Chủ tịch LĐLĐ TP HCM đề xuất.
Về việc xác định lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu vùng của NLĐ theo điều 91 Bộ Luật Lao động năm 2012, Thủ tướng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất, tham gia ý kiến với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, với Hội đồng Tiền lương Quốc gia, để trình Thủ tướng xem xét.
"Nếu tăng lương tối thiểu cao quá thì khó thu hút đầu tư, đồng nghĩa không giải quyết nhiều việc làm cho NLĐ nhưng để thấp quá thì đời sống NLĐ gặp khó khăn. Tinh thần giải quyết một cách hài hòa, các bên thảo luận một cách thấu tình đạt lý, chặt chẽ, phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn"- Thủ tướng nói.
Bình luận (0)