Trong năm 2017, số lượng thực tập sinh (TTS) Việt Nam được phái cử sang Nhật Bản đạt 54.504 người, bằng 136,47% so với năm 2016, trong đó có 24.502 là nữ. Hiện đang có hơn 100.000 thực tập sinh Việt Nam được đưa sang Nhật Bản.
Có cơ hội đổi đời
Về mặt chính thức, TTS kỹ thuật được tuyển dụng đi Nhật để học nghề. Giữa năm 2017, Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam và Bộ Lao động - Y tế - Phúc lợi Nhật Bản đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC), trong đó xác định mục tiêu của sự hợp tác nhằm chuyển giao kỹ năng, kỹ thuật trong việc đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam phục vụ lợi ích của 2 nước, thời hạn thực tập được nâng từ 3 năm lên 5 năm.
MOC là bản thỏa thuận đầu tiên giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản về lĩnh vực cung ứng thực tập sinh. Đồng thời, bản thỏa thuận trên cũng là văn bản pháp lý đầu tiên Chính phủ Nhật Bản ký với các nước cung ứng thực tập sinh tới Nhật Bản. Thật ra, việc đưa người lao động Việt Nam sang Nhật Bản dưới tư cách TTS đã được thực hiện từ hàng chục năm trước thông qua các công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ), với nhiều ngành nghề khác nhau, như: Cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, dệt may, nông nghiệp… Chỉ riêng nhóm ngành nghề hộ lý – điều dưỡng là tuyển dưới dạng lao động, do Trung tâm Lao động ngoài nước (trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH) trực tiếp thực hiện.
Hiện có hàng chục ngàn lao động nữ Việt Nam đang tham gia chương trình thực tập nghề tại Nhật Bản
Với rất nhiều người lao động (NLĐ), việc được đưa sang Nhật Bản "thực tập" là một "giấc mơ", bởi lợi ích rõ ràng nhất là họ được hưởng mức lương từ 28-36 triệu đồng/tháng (tính theo thời điểm hiện tại, chưa trừ các khoản thuế, phí). Với khoảng thời gian 5 năm, khoản tiền tích lũy được đủ để họ có thể "đổi đời".
Làm việc hay thực tập nghề?
Tuy nhiên, với mục tiêu chính là thực tập nghề, thì hiện đang có nhiều tranh cãi, khi có luồng ý kiến cho rằng, thực chất là những NLĐ này đi làm việc chứ không phải thực tập nghề (!).
Mặc dù còn những vấn đề chưa hoàn toàn như mong muốn, nhưng được đi thực tập nghề tại Nhật Bản vẫn là "giấc mơ" của nhiều NLĐ Việt Nam Một vấn đề nữa là, mặc dù mức chi phí để có thể được tuyển dụng đi thực tập nghề, theo MOC là phải :công khai, minh bạch", nhưng thực tế hiện nay, nhiều công ty XKLĐ đưa ra các mức phí rất khác nhau, có thể chênh lệch tới hàng ngàn USD – chưa kể các khoản phí "ngoài luồng" mà NLĐ có thể phải chi trả cho các cá nhân, tổ chức môi giới trung gian.
Đặc biệt gần đây, một số tờ báo của Nhật Bản đăng tải những điều tra cho thấy, nhiều lao động không có tay nghề người Việt Nam hoặc người Trung Quốc được tuyển dụng đi Nhật học nghề, nhưng lại bị một số chủ doanh nghiệp xấu ép buộc làm việc quá giờ lao động hoặc trả lương rẻ mạt. "Các trường hợp o ép để không trả lương xảy ra trong ngành công nghiệp dệt may. Trong xây dựng, các vụ tai nạn lao động bị che giấu. Còn trong nông nghiệp, chuyện ép làm thêm giờ không trả thêm tiền xảy ra như cơm bữa.
Chủ lao động thường xén 1/3 tiền lương với lý do thanh toán tiền ở trọ. Rất nhiều trường hợp không đóng bảo hiểm. Các TTS chẳng được dạy nghề gì cả mà chỉ làm công việc lặp đi lặp lại. Họ làm việc không có định mức lao động và bị trả lương rẻ mạt. Có nhiều hình thức lạm dụng như tịch thu hộ chiếu (nhằm tránh tình trạng bỏ đi), cắt xén lương, sa thải vô tội vạ, tấn công bằng vũ lực hoặc thậm chí là tấn công tình dục"- theo điều tra của báo Asialyst.
Mặc dù vậy, qua tiếp xúc với nhiều TTS từ Nhật Bản trở về, điều dễ nhận thấy là phần lớn đều tỏ ra hài lòng, khi họ có được khoản tiền tích lũy khá lớn để cải thiện cuộc sống. Một số người đã sử dụng đồng tiền từ Nhật Bản mang về để trở thành chủ doanh nghiệp, không chỉ giúp gia đình vượt qua đói nghèo mà còn tạo việc làm, thu nhập cho những NLĐ khác. Bên cạnh đó, một số người có trình độ khá sau khi về nước được tuyển dụng vào làm việc trong các doanh nghiệp do Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, có những người được cất nhắc lên các vị trí quản lý.
Do đó có thể thấy, dù vẫn còn những điều chưa hoàn toàn như mong muốn, nhưng chương trình TTS tại Nhật Bản vẫn là một cơ hội tốt cho nhiều NLĐ Việt Nam. Nhất là từ năm 2018, khi Nhật Bản tăng cường tiếp nhận TTS Việt Nam trong các lĩnh vực: Điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thì hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn cho lực lượng lao động nữ Việt Nam.
Bình luận (0)