Tại một sự kiện được tổ chức ở Trung tâm Hội nghị White Palace (TP HCM) vào tháng 5-2013, khách tham quan rất ấn tượng khi xem bức tranh chân dung Nick Vujicic, nhà diễn thuyết nổi tiếng người Úc, hết sức sống động được làm bằng đá do một phụ nữ khuyết tật thực hiện. Dù di chuyển hết sức khó nhọc trên chiếc xe lăn song trên môi người phụ nữ ấy luôn nở nụ cười lạc quan. Chị là Trần Thị Ngọc Hiếu, một tấm gương điển hình vượt khó và thành danh với những bức tranh đá độc đáo.
Chiến thắng nghịch cảnh
Sinh ra tại vùng quê nghèo ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, chị Hiếu là con thứ ba trong gia đình gồm 6 anh em. Năm lên 4, Hiếu bị sốt cao và rơi vào trạng thái hôn mê. Khi cô bé được chuyển lên bệnh viện huyện, bác sĩ dùng chiếc búa nhỏ gõ vào chân để thử phản xạ nhưng không thấy phản ứng.
Sốc nặng khi biết con bị liệt nhưng cha mẹ Hiếu vẫn cố công chạy khắp nơi tìm thầy giỏi để chữa trị nhằm cứu lấy đôi chân cô bé. Sau 2 năm chạy chữa, tài sản trong nhà lần lượt ra đi trong khi hy vọng cứu đôi chân của Hiếu ngày càng mờ mịt.
“Di chứng sau trận sốt đó là tôi không thể đi lại, bàn tay phải yếu ớt không thể điều khiển được. Tôi còn may mắn vì giữ được mạng sống, trong khi nhiều đứa trẻ bị sốt cùng đợt ở quê đã không qua khỏi” - chị Hiếu nhớ lại.
Nhìn bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường, Hiếu rất tủi thân. Biết con ham học, cha mẹ Hiếu dằn lòng gửi cô bé đến trường dù đã lường trước những khó khăn. Thực tế, việc học của Hiếu không trọn vẹn, phần do bệnh tật hành hạ, phần vì phải di chuyển đến các tỉnh xa để chữa trị và tập vật lý trị liệu. Hy vọng đi lại bình thường như bao người khác không thành, đến giữa năm lớp 12, Hiếu đành bỏ dở việc học và nhận giữ trẻ ở nhà.
Năm 2007, nghe người chú họ bảo có công ty ở TP HCM nhận dạy làm tranh đá quý cho người khuyết tật, Hiếu này sinh ý định học nghề này. Hiểu được suy nghĩ của con nhưng cha mẹ Hiếu không khỏi lo lắng bởi người khuyết tật sẽ khó hòa nhập ở đất khách quê người. Biết cha mẹ sẽ ngăn cản nên một mình Hiếu đón xe ôm đến công ty xin học nghề. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, Hiếu một mình rời khỏi nhà.
“Thấy tôi, ông giám đốc lắc đầu bảo rằng khuyết tật nhẹ có thể làm được chứ nặng quá rất khó học nghề, chỉ phí thời gian. Sau khi thuyết phục được giám đốc công ty cho mình cơ hội thử thách, tôi cũng phải mất khá nhiều thời gian mới thuyết phục được ba mẹ” - Hiếu kể.
Gửi tình yêu vào đá
“Khi vừa nhìn thấy những bức tranh đá quý lấp lánh, ánh mắt nhân vật sinh động như ảnh chụp, tôi biết đây chính là công việc mình đang tìm kiếm” - chị Hiếu tâm sự.
Được nhận vào học việc, mỗi ngày, Hiếu dành ra 12 giờ tập điều khiển bàn tay yếu ớt của mình để cầm chiếc máng và con dao rắc đá. Thời gian nghỉ, trong lúc bạn bè đi chơi thì Hiếu lại trở vào xưởng năn nỉ bảo vệ cho luyện tập thêm. Với sự nỗ lực vượt bậc ấy, trong 1 tuần đầu, Hiếu có thể làm được bức thư pháp và 2 tháng sau, chị đã có thể tự tay hoàn thiện một bức tranh phong cảnh.
Gắn bó với công ty được 4 năm, Hiếu xin nghỉ việc để ra riêng. Những ngày đầu tiên “lập nghiệp” hết sức gian nan khi chị vừa phải tự tìm chỗ ở trọ vừa lo nguồn nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm. Khó khăn là vậy nhưng chị vẫn cố gắng theo đuổi công việc mình yêu thích.
Không chỉ lặn lội tìm mua nguồn đá thiên nhiên, Hiếu còn dày công nghiên cứu đặc tính từng loại để nghĩ cách tăng độ bền và thẩm mỹ của sản phẩm. Các công đoạn chế tác tranh rất phức tạp, do vậy đòi hỏi nghệ nhân phải hết sức tỉ mỉ. Với người lành lặn, để hoàn thiện một bức tranh phải mất 2-3 ngày, huống hồ người khuyết tật như Hiếu. Trong căn phòng trọ chật hẹp ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM, dù phải di chuyển hết sức khó nhọc song chị vẫn miệt mài chế tác tranh đá.
Năm 2013, khi một khách hàng đặt làm bức ảnh chân dung của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, bao nhiêu tâm huyết với nghề, chị Hiếu dồn hết vào việc chế tác tranh. Bức tranh hoàn thành thật sống động khiến khách hàng ngỡ ngàng và tên tuổi của chị cũng được biết đến nhiều hơn. “Sự tin tưởng của khách hàng đã tiếp thêm động lực, thôi thúc tôi cố gắng nhiều hơn” - chị thổ lộ.
Tùy vào kích cỡ, độ khó của mỗi bức tranh, chị Hiếu mất từ 1 tuần đến 1 tháng để hoàn thành. Mỗi bức tranh có giá từ vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng. Tranh do Hiếu làm có giá rẻ và quan trọng hơn, mỗi tác phẩm không chỉ là niềm đam mê nghề nghiệp mà còn là tiếng lòng của chị gửi vào trong đá. Hiện chị Hiếu còn dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ nhiễm HIV để giúp họ có thể sống được bằng khả năng của mình.
“Khát khao vươn lên đã giúp tôi chiến thắng nghịch cảnh và sống có ích cho đời. Sống phải có hoài bão, biết nuôi dưỡng và đeo đuổi nó đến cùng” - chị Hiếu bộc bạch.
Bình luận (0)