Năm học 2019-2020, chương trình được đổi tên thành chương trình học bổng Báo Người Lao Động. Nét mới của chương trình là ngoài con công nhân (CN) vệ sinh, chương trình mở rộng đối tượng chăm lo là con của CN bị tai nạn lao động, CN mắc bệnh hiểm nghèo.
Muốn nghỉ học, kiếm tiền chữa bệnh cho cha
Qua tìm hiểu từng hoàn cảnh của con CN được xét trao học bổng, ấn tượng mãi với chúng tôi là em Nguyễn Tường Vũ (SN 2003) - con của anh Nguyễn Tường Du, CN Công ty TNHH Cân Nhơn Hòa (quận Thủ Đức, TP HCM).
Vũ từng có một gia đình ấm êm, hạnh phúc và là đứa con được cả nhà chờ đợi, nâng niu. Thế nhưng, hơn 10 năm trước, ba mẹ em ly hôn, Vũ về sống với cha. Đó là cú sốc đầu đời với một đứa trẻ. Vũ nhớ như in hình ảnh mẹ xách vali ra đi. Thi thoảng, mẹ có ghé về nhà thăm và dúi cho em ít tiền hoặc quà rồi quày quả đi nhanh. Hai mẹ con chưa kịp nói với nhau câu nào.
Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Kiều Ngọc Vũ trao học bổng Báo Người Lao Động cho con của công nhân khó khăn Ảnh: TẤN THẠNH
Thương con trai sớm chịu thiệt thòi nên anh Du ở vậy nuôi con suốt 10 năm. Đồng lương CN cơ khí không cao nhưng cũng đủ để anh lo cho con đi học. Tháng 5-2019, công ty khám sức khỏe định kỳ cho CN, anh Du được chẩn đoán bị ung thư gan, xẹp phổi trái. Không đủ sức để tiếp tục làm việc, anh Du xin nghỉ để chữa bệnh. Trò chuyện với con trai về bệnh tình của mình, anh Du ứa nước mắt khi nghe Vũ nói sẽ nghỉ học, tìm chỗ học nghề để có tiền chữa bệnh cho ba.
Căn nhà nhỏ của cha con anh Du nằm trong con hẻm 186 đường số 1, phường 3, quận Gò Vấp cũng là nơi đặt tiệm tạp hóa của bà nội Vũ. Tiệm bày bán lèo tèo vài gói mì tôm, ít chai nước tương, vài tuýp kem đánh răng… chủ yếu phục vụ bà con lối xóm. Bà nội Vũ đã 71 tuổi, mắc bệnh khớp vẫn cố buôn bán để có tiền lo ăn uống cho cả nhà. Dù rất muốn đi học nhưng Vũ đành gác lại ước mơ đến trường để chuyên tâm học nghề, mau có việc làm kiếm tiền chữa bệnh cho ba, lo cho bà nội già yếu.
Viết tiếp ước mơ
Em Cao Quốc Huy (SN 2006) là con anh Cao Xuân Lộc, CN tạp vụ của Công ty CP Sơn Á Đông (quận 8). Nhà Huy nằm cuối con hẻm trên đường Bến Bình Đông, quận 8 chẳng có gì đáng giá. Anh Lộc bệnh triền miên nên vợ chồng anh ít khi sắm sửa, kể cả chiếc giường tầng đặt sát cửa cũng do hai cha con tự đóng làm chỗ nghỉ ngơi. Gương mặt khắc khổ nhưng cách nói chuyện cởi mở, lạc quan, ít ai biết anh vừa trải qua 2 lần cận kề cái chết.
Anh Lộc kể sức khỏe vợ anh không tốt nên chỉ ở nhà nội trợ và chăm con nhỏ, một mình anh làm đủ việc kiếm tiền nuôi gia đình. Năm năm trước, anh xin vào làm việc tại Công ty CP Sơn Á Đông. Năm 2018, anh bị viêm gan C, phải điều trị hết vài chục triệu đồng. Khi bệnh viêm gan C đã chữa khỏi, anh lại bị bệnh tim khá nặng, được nhận sự hỗ trợ từ chương trình "Trái tim nghĩa tình" của LĐLĐ TP HCM với chi phí phẫu thuật trên 100 triệu đồng. Điều anh Lộc luôn áy náy là đã không nhận thấy sự bất ổn về tinh thần của cậu con trai Cao Quốc Huy, để con gián đoạn việc học tập 1 năm.
"Tôi không biết chữ nên mong con mình được học hành đàng hoàng. Nhưng chính bệnh tật của tôi lại ảnh hưởng đến việc học của con. Đến lúc con nghỉ học hẳn, tôi mới biết thì đã quá trễ" - anh Lộc nói.
Với sự động viên của gia đình, Huy đã đi học trở lại tại Trường THCS Lê Lai. Dù vậy, trong lòng em vẫn canh cánh nỗi lo vì cha chưa đi làm lại, gia đình không có nguồn thu nhập nào khác. Khi được nhận học bổng của Báo Người Lao Động, Huy rất vui vì học bổng đã san sẻ kịp thời gánh nặng cho gia đình em.
Sau mỗi chương trình, hình ảnh những đứa trẻ con của CN quá khó khăn nhưng vẫn lạc quan, đầy nghị lực và không bao giờ bỏ cuộc cứ thôi thúc chúng tôi tiếp tục tìm kiếm các nhà tài trợ, mạnh thường quân để chương trình được tiếp sức cho nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nữa.
Bình luận (0)